Tư vấn tuyển sinh 2011:
Điểm ưu tiên khu vực được tính như thế nào?
Điểm chuẩn năm trước giảm thì năm nay sẽ tăng? Sinh viên thi lại ĐH thì có cần xin phép ban giám hiệu nhà trường? Ngành kinh tế học sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì? Quy định về chuyển trường ĐH? Có đủ điều kiện dự thi cao học?...
Hỏi: Em đang băn khoăn không biết sẽ chọn trường đại học nào trong năm 2011 tới. Em nghe tin vì năm 2010 điểm chuẩn của đa số các trường đều giảm so với các năm trước nên năm 2011 điểm sẽ lại cao lên, không biết thông tin này có đúng không? Liệu có dự kiến được điểm chuẩn của ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế-ĐHQG HN không? (patienthard@gmail.com)
*Trả lời:
Về vấn đề này em cần định hướng rõ ràng. Việc điểm chuẩn cao hay thấp phụ thuộc khá nhiều yếu tố như chất lượng thí sinh dự thi, mức độ của đề thi... Theo đánh giá của các chuyên gia thì năm 2010 điểm chuẩn của các trường có xu hướng giảm là do đề thi có sự phân hóa rõ rệt.
Theo thông tin mà Ban tư vấn được biết thì đề thi năm nay sẽ tiếp tục được ra theo hướng như năm trước. Cụ thể sẽ bám vào chương trình sách giáo khoa, có một số câu hỏi khó chỉ dành cho học sinh thực sự giỏi và xuất sắc nhằm phân loại thí sinh. Với xu hướng này nhiều khả năng điểm chuẩn của các trường sẽ tiệm cận với mức năm 2010.
Vào thời điểm hiện tại chưa thể có cơ sở để phân tích dự đoán điểm chuẩn của các trường năm 2011. Chính vì thế em cần đợi sau khi kì thi kết thúc thì mới có lời tư vấn cho em được.
Hiện giờ em đang học tại trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội năm nay em muốn thi lại vào trường khác thì có cần sự cho phép của Ban giám hiệu trường Nông Nghiệp không? Nếu đỗ thi có phải mất tiền chuộc hồ sơ không? (k55mtb_nnh@ovi.com)
Theo quy định của tuyển sinh thì học sinh, sinh viên chưa được Hiệu trưởng cho phép dự thi thì không đủ điều kiện ĐKDT. Chính vì thế nếu em muốn thi lại ĐH thì cần phải có sự cho phép của Ban giám hiệu trường đang theo học.
Vấn đề bù hoàn kinh phí đào tạo khi muốn rút hồ sơ để nhập trường khác là do từng trường quy định. Hiện nay phần lớn các trường đều không làm khó hoặc yêu cầu nộp lại phí đào tạo đối với những thí sinh rút hồ sơ nhưng có trường lại yêu cầu, chủ yếu là khối các trường sư phạm.
Em năm nay hiện là sinh viên năm nhất trường ĐH Nông lâm TPHCM, ngành Tiếng Anh. Em có dự định sẽ thi tiếp ngành Kinh tế học - Khoa Kinh tế - ĐHQG TPHCM. Giả sử như năm nay em trúng tuyển trường ĐHKT - ĐHQG TPHCM thì liệu xét về quy định, quy chế em có thể học song song cùng lúc 2 trường này được không? Có điều kiện nào ràng buộc không? Nhân đây, em cũng muốn hỏi là ngành Kinh tế học có gì khác so với các ngành kinh tế khác (Kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng...)? Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp nghành Kinh tế học? (hcmnls@yahoo.com)
Hiện nay chưa có quy định nào cấm sinh viên học cùng một lúc hai trường ĐH. Tuy nhiên với quy chế đào tạo và quy định thi hết học phần thì việc học cùng lúc hai trường là rất khó khăn. Các trường thường không khuyến khích sinh viên học một lúc hai trường vì sinh viên khó có để đạt kết quả tốt.
Hiện nay nhiều trường đã triển khai việc học cùng một lúc để được cấp hai bằng liên quan đến hai lĩnh vực khác nhau. Theo Ban tư vấn thì em nên đi theo hướng này. Còn nếu thực sự có khả năng theo học hai trường thì tốt nhất nên xin phép Ban giám hiệu nhà trường để được hỗ trợ tốt hơn bởi theo quy định muốn dự thi lại em phải được sự đồng ý của nhà trường.
- Nói chúng kinh tế học hay Kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng đều là các chuyên ngành hẹp của ngành Kinh tế. Tùy vào mục tiêu của chuyên ngành sẽ có hướng đào tạo chuyên sâu hơn.
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế học nhằm đào tạo các cử nhân kinh tế có phẩm chất chính trị, có đạo đức tư cách, có sức khỏe, có khả năng làm việc tập thể, có đủ trình độ năng lực hòan thành nhiệm vụ được giao.
Cử nhân ngành Kinh tế học được trang bị kiến thức sâu rộng, hiện đại về kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế học ứng dụng, có khả năng vận dụng các lý thuyết kinh tế để phân tích, đánh giá các hoạt động kinh tế, có khả năng tổ chức và quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và tổ chức các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội; có khả năng nghiên cứu và học tập ở bậc cao hơn.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc trong các trường Đại học, các viện nghiên cứu; các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các ngành và lĩnh vực kinh tế; làm trong các doanh nghiệp; tham gia các hoạt động tư vấn các vấn đề kinh tế cho các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp.
Em đang là sinh viên năm thứ nhất thuộc hệ liên kết đào tạo đại học loại hình chính qui ở 1 trường ĐH tại Hà Nội. 2 năm đầu em học chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Tài chính Ngân Hàng theo số môn qui định do trường đại học tại Việt Nam yêu cầu. Em tham gia kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 và trúng tuyển NV2 vào 1 trường ĐH khác. Vậy xin Ban tư vấn cho em được hỏi là liệu sang năm thứ 2, em có được chuyển trường ĐH như trong qui chế đào tạo không? (theanh.sphn2@gmail.com)
Theo qui chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy sinh viên được xét chuyển trường nếu có các điều kiện sau đây: trong thời gian học tập, nếu gia đình chuyển nơi cư trú hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cần thiết phải chuyển đến trường gần nơi cư trú của gia đình để thuận lợi trong học tập; xin chuyển đến trường có ngành đào tạo trùng hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học; được sự đồng ý của hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
Sinh viên không được phép chuyển trường trong các trường hợp sau: sinh viên đã dự thi tuyển sinh nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm xét tuyển của trường xin chuyển đến trong trường hợp chung đề thi tuyển sinh; sinh viên có hộ khẩu thường trú nằm ngoài vùng tuyển của trường xin chuyển đến; sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa; sinh viên đang chịu mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Thủ tục chuyển trường như sau: sinh viên xin chuyển trường phải làm hồ sơ xin chuyển trường theo qui định của nhà trường; hiệu trưởng trường có sinh viên xin chuyển đến quyết định tiếp nhận hoặc không tiếp nhận, quyết định việc học tiếp tục của sinh viên như: năm học và số học phần mà sinh viên chuyển đến trường phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình ở trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
Tôi đã tốt nghiệp hệ tại chức khoa tiểu học tại Đại học Sư phạm TPHCM, học xong chương trình cán bộ quản lý giáo dục thuộc trường Cán bộ quản lý giáo dục được cấp chứng chỉ. Học xong chương trình cử nhân Anh văn tại trường Đại học KHXH & NH TPHCM nhưng chưa tốt nghiệp. Nay Tôi muốn học cao học về quản lý giáo dục vậy tôi có đủ điều kiện học hay không? Và tôi có thể liên hệ nơi đâu để đăng ký học? (cyndi6802@gmail.com)
Theo quy định đào tạo sau ĐH thì bạn đủ điều kiện để tham dự vì bạn đã tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên ngành đăng ký dự thi phải đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành đã tốt nghiệp trước đó. Bạn tốt nghiệp khoa tiểu học bên cạnh đó lại sắp tốt nghiệp ngành cử nhân Anh văn nhưng lại không phải là các chuyên ngành gẩn hoặc sát với ngành quản lý giáo dục.
Tuy nhiên hiện nay nhiều trường cũng mở rộng hơn bằng cách yêu cầu học viên bổ sung kiến thức trước khi dự thi. Chính vì thế bạn nên chủ động liên hệ với các trường có đào tạo chuyên ngành này để được hỗ trợ đầy đủ hơn. Hiện nay có các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, Học viện Quản lý giáo dục đào tạo cao học các chuyên ngành này.
Cho em hỏi, em hiện đang là thí sinh tự do năm nay muốn thi lại đại học. Ngành báo chí ở đại học khoa học Huế, em nghe nói học báo chí ở Huế khó xin việc, vậy nếu học ngành ra trường ở huế em có thể về làm việc ở đia phương không? (dangtuan079@gmail.com)
Về công tác báo chí thì dù ở thành phố hay địa phương đều rất cần chính vì thế em không cần phải quá lo lắng. Nếu em thể hiện được khả năng của mình thì học ngành báo xong không quá khó để xin việc.
Em là sinh viên năm thứ nhất đại học Mở. Năm nay em muốn thi lại đại học thì hồ sơ cần chuẩn bị những gì? Nếu phải nộp bằng tốt nghiệp em có thể nộp bằng tốt nghiệp tạm thời hay phải nộp bằng chính? Em có thể nộp hồ sơ ở đâu? (little_turtle2410@yahoo.com)
Quy trình làm hồ sơ ĐKDT không khác so với năm em đã dự thi. Em chỉ cần lưu ý một điểm đó là em phải nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT hoặc trực tiếp ở các trường ĐH, CĐ. Ứng với việc em nộp ở đâu sẽ có mã ĐKDT tương ứng.
ĐKDT không cần phải nộp bằng tốt nghiệp mà em chỉ cần mua một bộ hồ sơ sau đó điền đầy đủ thông tin và xin dấu xác nhận của địa phương. Ngoài ra do em đang là sinh viên nên quy chế tuyển sinh muốn thi lại phải có giấy xác nhận của trường đang học đồng ý cho phép đi thi.
Thưa ban tư vấn tuyển sinh, điểm ưu tiên khi thi ĐH tính theo hộ khẩu thường trú hay tính theo nơi học? (mrnguyenquyngoc@gmail.com)
Theo quy chế tuyển sinh thì thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Chỉ có các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú: Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh các trường, lớp dự bị ĐH; Học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc UBND cấp tỉnh và Quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ
Ý kiến bạn đọc