Tính nhân văn có thể vượt qua mọi khác biệt

08:15, 16/11/2010
Trong cuộc gặp gỡ với SV trường ĐH Ngoại thương Hà Nội sáng 14/15, ông Clinton nói: "Việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thời khắc tự hào nhất trong cuộc đời tổng thống của tôi". Theo ông, việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã cho cả thế giới biết rằng, tính nhân văn có thể vượt qua mọi khác biệt.

Trở lại Việt Nam khi cái rét đầu đông bắt đầu, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton dẫu tuổi ngoại lục tuần vẫn nhanh nhẹn, như chưa hề giảm đi khả năng diễn thuyết chinh phục giới trẻ. Ông được tiếp đón trong không khí thân thiện của thầy trò Trường Đại học Ngoại thương…

Sáng chủ nhật 14/11, lối dẫn vào Trường Đại học Ngoại thương, hàng trăm sinh viên phấn chấn tay hoa tay cờ, đứng hai dãy chờ đợi giây phút đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Có điều đặc biệt, đây cũng là thời điểm thầy và trò Đại học Ngoại thương tưng bừng kỷ niệm 50 năm thành lập trường và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Buổi gặp gỡ được thực hiện ngay tại khuôn viên với một sân khấu ngoài trời. 9h30', cựu Tổng thống bước xuống trong đoàn xe có Cảnh sát dẫn đường, nhưng điều làm nhiều người ngạc nhiên là không phải một chiếc xế hộp hay dòng xe đặc chủng chở Tổng thống Mỹ như chúng tôi từng chứng kiến tại APEC 14 năm 2006. Ông bước xuống từ chiếc xe buýt con thoi cửa đẩy 16 chỗ ngồi. Mái tóc màu cước, ông tươi cười cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của các bạn trẻ… 

15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, không sa vào kể lại những thành tựu, những việc đã làm, ông muốn nói những suy nghĩ của riêng mình từ dấu mốc quan trọng ấy đối với hai nước cũng như mong muốn các bạn trẻ cần biết vượt qua khó khăn để đạt được vinh quang.

Ông Clinton nói: "Việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thời khắc tự hào nhất trong cuộc đời tổng thống của tôi". Theo ông, việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã cho cả thế giới biết rằng, tính nhân văn có thể vượt qua mọi khác biệt. Đã 15 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, 10 năm kể từ khi ký Hiệp định thương mại song phương và 5 năm từ khi Quỹ Clinton được thiết lập ở Việt Nam, rất nhiều hành động mang lại ý nghĩa quan trọng với hai nước được thực hiện.

Nhắc lại lịch sử bình thường hóa quan hệ hai nước, cựu Tổng thống Bill Clinton nhấn mạnh: Chúng ta đã cùng hợp tác về giáo dục, y tế, an ninh, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và tìm hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Điều này cho thấy sự sẵn sàng trong việc tăng cường hiểu biết giữa hai nước. Cựu Tổng thống nhắn nhủ các sinh viên rằng, trong điều kiện thế giới mở, khát vọng chinh phục đang là chìa khóa nằm trong tay các bạn, hãy biết vận dụng để mở cửa tương lai…

Cựu Tổng thống Bill Clinton được chào đón nồng nhiệt tại Đại học Ngoại thương.

Buổi nói chuyện chỉ khoảng 40 phút, chừng ấy so với sự chờ đón của các bạn trẻ hẳn còn quá ít, và sự bận rộn của cựu Tổng thống khiến ông rời sân khấu trường Ngoại thương với lời hẹn gặp lại. 40 phút thăm trường, tất thảy thời gian đó được dành cho buổi nói chuyện ngoài trời với thầy và trò, và sau lời chào tạm biệt, những cái bắt tay thân thiện với lãnh đạo nhà trường, ông bước vào sảnh và ra ngay nơi đỗ ôtô. Cánh cửa xe buýt con thoi đóng lại, ông không quên sử dụng chiếc máy ảnh cá nhân, tươi cười vẫy chào các bạn trẻ và bấm lại khoảng khắc đáng nhớ qua cửa kính.

Hình ảnh cựu nguyên thủ quốc gia tươi cười chụp ảnh các sinh viên từ xe buýt khiến tôi hình dung lại một cảnh tương tự tại Hồ Gươm cách đây nửa tháng. Khi đó, Tổng thống Nga Medvedev trong lúc tản bộ Bờ Hồ cũng kịp tự tay ghi lại hình ảnh cổ kính Tháp Rùa bằng chính máy ảnh cá nhân. Khi gặp gỡ các lưu học sinh Việt Nam từng học tập Liên Xô trước đây tại Cung Văn hóa hữu nghị, ông cũng không quên điều ấy với sự lưu luyến những người ông từng biết họ cách đây mấy chục năm khi những sinh viên này tới thăm thân phụ của mình… Điều đó cho thấy ở chính khách một tác phong bình dị, nhưng ngoài ra còn là sự cảm nhận một không khí thanh bình của Hà Nội.

Cựu Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam lần này theo chương trình của Quỹ mang tên ông giúp các nước nghèo và đang phát triển, trong đó có Việt Nam về phòng chống HIV/AIDS và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cách đây 4 năm (tháng 12/2006), ông tới Việt Nam trong khuôn khổ chương trình thăm các nước châu Á nhằm tăng cường hợp tác với các nước theo chương trình Sáng kiến toàn cầu phòng chống HIV/AIDS (CHAI) của vị Chủ tịch Quỹ William J.Clinton. Lần đó, ông Bill Clinton cũng tọa đàm với sinh viên Việt Nam về vấn đề phòng chống HIV/AIDS và thăm Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi các bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị theo chương trình của Quỹ Clinton về HIV/AIDS.

Trước đó, Quỹ Clinton về HIV/AIDS đã đặt việc hỗ trợ với Việt Nam vào tháng 12/2005 bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Quỹ với Bộ Y tế Việt Nam trong việc trợ giúp kiểm soát HIV/AIDS. Từ tháng 7-2006, quỹ đã chính thức mở Văn phòng dự án tại Việt Nam .

Trong chuyến thăm đó, cựu Tổng thống Clinton nói với vợ - bà Hillary Clinton về việc ông tới Việt Nam và bà cho biết vẫn còn nhớ như in những ấn tượng tốt đẹp khi theo chồng tới thăm đất nước bên bờ biển Đông năm 2000. Dịp đó, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cho biết đã đọc cuốn hồi ký của bà Hillary và cho ông Clinton biết rằng, chính Đại tướng Mai Chí Thọ là người viết lời tựa cho bản dịch cuốn sách này ra tiếng Việt. Nghe chuyện, cựu Tổng thống đã tỏ ra rất thú vị...

Vợ ông, cuối tháng 10 vừa qua cũng có chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN 17. Trước đó 3 tháng (7/2010), bà Hillary Clinton cũng có chuyến  thăm hai ngày tại Hà Nội. Hai lần trở lại Việt Nam, không ẩn danh sau bóng của chồng, bà Hillary Clinton trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ tham dự các phiên họp diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và sau đó là dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây cũng đúng dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ, vì thế ngoài việc chung thì chuyến đi cũng mang dấu ấn đặc biệt với riêng Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Ngoại trưởng Hillary Clinton bước vào phòng họp báo với phong thái rất khẩn trương và cởi mở. "Tôi chào các bạn, tôi thực sự vui mừng trong lần trở lại này" - Ngoại trưởng mở đầu một cách tự nhiên, ngắn gọn, không ràng buộc bởi các nghi thức thưa gửi. "Tôi tự hào khi được quan sát những bước tiến ngoạn mục của quan hệ song phương trong 15 năm qua, kể từ khi chồng tôi, Tổng thống Bill Clinton thực hiện bình thường hóa quan hệ với Việt Nam". Bà nói, không chỉ dừng lại ở những gì đạt được, hai nước đang có những nỗ lực, bước chuẩn bị cho mối quan hệ song phương ở tầng nấc mới như mục tiêu được Tổng thống Obama đặt ra. Món quà mà Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trao cho bà Hillary Clinton rất độc đáo: bức tranh có hình Ngoại trưởng và con gái, tác giả bức tranh là nghệ nhân Đào Trọng Cường. Đáng chú ý là hình ảnh Ngoại trưởng và con gái đội nón lá với nụ cười tươi tắn - một hình ảnh rất đặc trưng của văn hoá Việt...

Mười năm trước, ông Bill Clinton tới thăm Việt Nam , người cùng đi là đệ nhất phu nhân. Mười năm sau, khi vợ ông đã là Ngoại trưởng với lịch trình bận rộn vừa kết thúc hai đợt thăm Hà Nội, thì cựu Tổng thống tiếp nối bằng những việc làm đầy ý nghĩa tại đây. Hà Nội thực sự là dấu ấn đặc biệt với vợ chồng cựu Tổng thống.


cand

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trùm khủng bố Osama Bin Laden đe dọa nước Pháp
Kênh truyền hình Al-Jazeera ngày 27-10 đã phát đoạn băng ghi âm giọng nói được cho là của trùm khủng bố Osama Bin Laden, trong đó tuyên bố Pháp sẽ bị tổn thất nặng nề nếu không rút quân khỏi Afghanistan.
29/10/2010
Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba
Đây là năm thứ 19 liên tiếp, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết kêu gọi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba
27/10/2010
GV cần học thêm tiếng dân tộc để hỗ trợ dạy tiếng Việt cho HS
Ngày 23/10, tại TP Lào Cai, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (HSDTTS).
27/10/2010
Tệ nạn mua bán phụ nữ ở Ấn Độ
Bộ Phụ trách vấn đề phúc lợi của phụ nữ và trẻ em Ấn Độ cho hay, tệ mua bán phụ nữ ở nước này mặc dù bị cấm vẫn tồn tại khá nặng nề ở những vùng quê nghèo và hẻo lánh.
26/10/2010