Phnom Penh chìm trong tang tóc
Rồi thảm hoạ đã xảy ra sau khi đám đông tới vài chục nghìn người đang tập trung ở khu vực này bỗng chốc nhốn nháo. Khi cơn hoảng loạn lan truyền, đám đông vài nghìn người đã tìm cách thoát khỏi cây cầu vốn chỉ đủ cho vài chục người đi qua. Một biển người mất phương hướng đã giẫm đạp lên nhau và rơi xuống hồ Tonle Sap.
Chea Chan, Người sống sót nói: “Tôi cố gắng kéo tay em họ tôi để cứu nó, nhưng tôi đã không thể. Chưa hết, tôi còn mất cả một đứa em ruột sau tôi. Tôi chưa tìm được em tôi, thi thể của chúng đang được chuyển về tỉnh”.
Một bà mẹ mất con: “Dưới thời Polpot, chúng đã giết hại cả gia đình tôi. Tôi không còn ai, chỉ còn có 1 thằng con trai. Tôi đã rất hy vọng vào tương lai của nó, nhưng giờ đây nó đã chết ngay trước mắt tôi. Xin hãy giúp tôi”.
Phát biểu trên truyền hình đêm qua, Thủ tướng Campuchia Hunsen đã gọi đây là thảm hoạ kinh hoàng nhất của đất nước ông kể từ sau thời kỳ diệt chủng Polpot.
Thủ tướng Campuchia Hunsen: “Hôm nay là ngày đau buồn nhất. Đây là thảm hoạ chưa từng có trong vòng 31 năm qua sau thời kỳ diệt chủng Polpot. Khi xảy ra sự cố này, các nhà chức trách đã triển khai kịp thời và hành động tốt nhất có thể để giúp những người gặp nạn, nhưng những nỗ lực ấy đã không thể ngăn chặn sự chết chóc và số người bị thương nhiều đến mức kinh ngạc như vậy.
Trong giây phút đau thương này, tôi xin chia sẻ nỗi đau buồn với gia đình, thân nhân những người gặp nạn và cầu mong linh hồn của các nạn nhân được về thế giới cực lạc. Bản thân tôi mong được đồng bào thông cảm và thứ lỗi về sự cố nghiêm trọng này”.
Một Uỷ ban quốc gia đã được thành lập ngay lập tức để điều tra nguyên nhân và khắc phục thảm hoạ. Các nhà chức trách đã loại bỏ các nguyên nhân khủng bố hay điện giật, nhưng thực sự điều gì đã xảy ra thì họ cũng chưa thể khẳng định được.
Ông Touch Naroth, Cảnh sát trưởng Phnom Penh: “Cho tới lúc này, chúng tôi chưa thể đưa ra thông báo gì. Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc được với những người sống sót để tìm hiểu nguyên nhân”.
Lúc này, bầu không khí tang tóc bao trùm khắp thủ đô Phnom Penh. Thân nhân của các nạn nhân đã đổ đến các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh để tìm kiếm thi thể người thân và những người bị thương đang được cứu chữa, tìm kiếm người thân bị mất tích, hoặc nhận dạng thân nhân.
Ông Heng Neng, Cha của một nạn nhân 16 tuổi: “Tôi tới đây để xuất trình cho cảnh sát sổ hộ khẩu của gia đình, để nhận con gái tôi về”.
Hầu hết các nạn nhân đã bị giày xéo và chết ngạt khi đang cố gắng thoát ra khỏi cây cầu. Bà San Supa đã đi tìm con gái và con rể mình sau khi nghe tin về vụ giẫm đạp. “Các con nói với tôi rằng, chúng muốn đi xem buổi diễu hành trên sông vào lúc khoảng 7 giờ tối. Sau khi chúng mất tích, tôi đã tới thẳng bệnh viện này và biết được, các con đã chết”.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Campuchia, công tác chữa trị cho những người bị thương đang được tiến hành tích cực và việc khó khăn nhất là xác định danh tính những người thiệt mạng. Hàng chục lều lán cơ động đã được dựng lên để chứa các thi thể nạn nhân mà có tới 2/3 là phụ nữ.
Còn tại cây cầu Kim Cương, nơi diễn ra vụ giẫm đạp, nhiều người đã tới thắp hương cầu nguyện cho người thân của mình. Trong lúc này, nhà chức trách vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các thi thể.
Ý kiến bạn đọc