Chất lượng GD các cấp học sẽ được kiểm định độc lập

17:40, 22/11/2010

Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đánh giá quốc gia và công bố kết quả trước xã hội; tham gia đánh giá quốc tế về chất lượng. Triển khai hệ thống tổ chức kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục.


Đó là một trong những trọng tâm và cũng là những điểm mới của Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 sẽ tập trung giải quyết.

Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, đa dạng hoá, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; lấy quản lý chất lượng làm trọng tâm, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; tăng cường phân cấp và quy định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương; tin học hoá toàn bộ công tác quản lý; chuẩn hóa thông qua việc triển khai hệ thống chuẩn trong giáo dục.

Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, xuất phát từ nhu cầu xã hội, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; mở rộng các hình thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ; xây dựng các mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, tạo môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi cấp học và trình độ đào tạo.

Tập trung vào việc tạo ra động lực dạy học và rèn luyện nâng cao năng lực nghề nghiệp bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh; đổi mới toàn diện công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Thay đổi cơ bản chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp, phân hoá; tăng cường áp dụng các chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới, xây dựng các chương trình liên thông, đạo tạo theo tín chỉ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trình độ ngoại ngữ, tin học của học sinh, sinh viên.

Về tình hình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã thành lập Ban Soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2101-2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp làm Trưởng Ban. Ngân hàng Thế giới đã cử chuyên gia quốc tế, nguyên là Bộ trưởng Giáo dục Chilê trực tiếp hỗ trợ, tư vấn cho Ban soạn thảo.

Quá trình xây dựng chiến lược được triển khai hết sức công phu, nghiêm túc. Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học bàn về phương pháp luận, xây dựng đề cương, lựa chọn phương pháp. Để tạo lập cơ sở khoa học cho việc xây dựng Chiến lược, Bộ đã thành lập 27 nhóm nghiên cứu và triển khai đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn I và toàn bộ quá trình 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 một cách khách quan, toàn diện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật.

Bộ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc, hội thảo khoa học về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 để xin ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học và các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, như: Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân thông qua trang webite của Bộ.

Ban soạn thảo Chiến lược đã tiếp thu một cách nghiêm túc những ý kiến đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện văn bản dự thảo, đồng thời cũng đã tham khảo những nội dung cơ bản liên quan tới giáo dục được thể hiện trong Dự thảo các văn kiện quan trọng trình Đại hội Đảng sắp tới, như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của Cựu Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Hội Cựu Giáo chức, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và các nhà khoa học giáo dục. Đồng thời gửi xin ý kiến góp ý của Ủy ban nhân các tỉnh, các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng.

Dự thảo đã khẳng định bốn quan điểm phát triển giáo dục trong giai đoạn tới, trong đó có những quan điểm đã được nêu ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, cũng có những quan điểm mới thích ứng với bối cảnh quốc tế và trong nước, với các xu thế của thời đại.

Chiến lược này nhằm vào 2 mục tiêu, đó là: Đổi mới căn bản nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tiếp cận được với chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế; tăng cường năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin của học sinh, sinh viên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập; Phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Thực hiện các mục tiêu nêu trên nhằm đưa giáo dục nước ta trở thành một nền giáo dục tiên tiến, khoa học, dân tộc, đại chúng, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế. Nền giáo dục phải đào tạo được những con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập, phê phán và sáng tạo, có khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng, có năng lực nghề nghiệp, có năng lực học suốt đời, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thực, dám nghĩ, dám làm, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Để đạt được các mục tiêu trên cần thực hiện tốt 9 giải pháp chiến lược, đó là: Đổi mới quản lý giáo dục; Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục; Phát triển nhân lực của ngành giáo dục; Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập; Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực để phát triển giáo dục; Tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; Tăng cường hỗ trợ giáo dục ở các vùng miền và người học được ưu tiên; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục. Trong đó, 3 giải pháp đầu được coi là các giải pháp đột phá, đảm bảo cho hệ thống giáo dục vận hành theo đúng quy luật đi đến mục tiêu đã định và thực hiện mục tiêu ưu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục.


gdtd.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Không có khả năng Nga gia nhập NATO
Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga D.Medvedev tại cuộc họp báo sau cuộc gặp cấp cao Hội đồng Nga-NATO ở Lisbon (Bồ Đào Nha) hôm 21/11.
22/11/2010
Bộ GD-ĐT, Công đoàn GDVN kỷ niệm 28 năm “Ngày nhà giáo Việt Nam” 20-11: Người thầy là nhân tố quyết định nhất tới tầm vóc của ngành GD
Dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành giáo dục cũng đang tăng cường trang bị các thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng người thầy vẫn là yếu tố quyết định nhất tới tầm vóc của các trường học nói riêng, của ngành Giáo dục nói chung.
19/11/2010
Tranh cãi Thái Lan-Nga-Mỹ về vụ dẫn độ V. Bút
Quan hệ Nga - Thái Lan và Nga - Mỹ đang rơi vào tình trạng phức tạp sau khi Thái Lan dẫn độ công dân Nga Vích-to Bút (Viktor Bout), người bị cho là một lái súng có biệt danh "Lái buôn Tử thần", sang Mỹ theo yêu cầu của Mỹ.
19/11/2010
Mỹ và NATO phớt lờ cam kết rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan
Báo "McClatchy Newspapers" cho biết: "Chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã quyết định bắt đầu công khai từ bỏ thời hạn rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan trong một nỗ lực phớt lờ cam kết trước đây theo đó bắt đầu rút quân từ tháng 7-2011".
18/11/2010