Bộ GD-ĐT, Công đoàn GDVN kỷ niệm 28 năm “Ngày nhà giáo Việt Nam” 20-11: Người thầy là nhân tố quyết định nhất tới tầm vóc của ngành GD
Dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành giáo dục cũng đang tăng cường trang bị các thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng người thầy vẫn là yếu tố quyết định nhất tới tầm vóc của các trường học nói riêng, của ngành Giáo dục nói chung.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định như vậy tại Lễ kỷ niệm 28 năm “Ngày nhà giáo Việt Nam” và gặp mặt đại diện các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú (NGND, NGƯT) được Nhà nước phong tặng lần thứ XI năm 2010 tổ chức sáng nay (18/11).
Cùng tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam Trần Công Phong cùng 250 NGND, NGƯT của ngành GD&ĐT, đại diện cho các NGND, NGƯT được phong tặng năm 2010.
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Giáo dục cũng như điểm lại một số mốc lịch sử quan trọng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Năm 1958, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc và những năm sau đó, được tổ chức trong vùng giải phóng ở miền Nam.
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để các cấp chính quyền và đoàn thể xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ nhà giáo ở địa phương, đơn vị mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ nhà giáo phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam rèn luyện phẩm chất, năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để đội ngũ nhà giáo có những hoạt động phong phú, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên…
65 năm qua, các thế hệ nhà giáo VN đã phát huy truyền thống yêu nước, yêu nghề, liên hệ mật thiết với các tầng lớp nhân dân, nhân ái, vị tha, tận tụy với sự nghiệp GD&ĐT… Thông qua việc hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào yêu nước và các cuộc vận động, đội ngũ các thế hệ nhà giáo VN đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển sự nghiệp GD-ĐT, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới.
Đội ngũ nhà giáo Việt Nam từ chỗ chỉ có mấy ngàn giáo viên tiểu học và trung học sau Cách mạng tháng 8, đến năm học 2009-2010, trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo trực tiếp đứng lớp có 1.088.081 người. Trong đó, giáo viên mầm non có 195.852 người, giáo viên phổ thông có 804.183 người; giáo viên trung cấp chuyên nghiệp có 17.488 người cùng 70.558 giảng viên các trường ĐH, CĐ với 277 GS, 1925 PGS, 7104 TS và 26.715 Th.S.
Những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động phát triển sâu rộng trong toàn ngành. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, thiết bị giáo dục, phòng thí nghiệm, thư viện tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và hiện đại. Đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng vững vàng. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của đất nước. Những thành tích ấy đã được ghi nhận bằng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành GD&ĐT ngày 20/10 vừa qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam Trần Công Phong đã nhiệt liệt chúc mừng các NGND, NGƯT vừa được phong tặng năm 2010, đồng thời đề nghị đội ngũ nhà giáo tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành trong giai đoạn mới; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành; phát huy nội lực của ngành xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngang tầm với nhiệm vụ; đồng thời, tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những thầy cô giáo đã và đang gặp khó khăn ở vùng lũ lụt miền Trung, vùng sâu, vùng xa, biển đảo và vùng kinh tế khó khăn…
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhiệt liệt chúc mừng các thầy giáo, cô giáo luôn tận tâm với nghề, đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người của dân tộc, đồng thời khẳng định, truyền thống hiếu học của nhân dân ta từ xưa đến nay cũng như những thành tựu giáo dục của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của lớp lớp nhà giáo đã dùng tri thức của mình hun đúc nên.
Dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành giáo dục cũng đang tăng cường trang bị các thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng người thầy vẫn là nhân tố quyết định nhất tới tầm vóc của các trường học nói riêng, của ngành giáo dục nói chung. Bộ trưởng hy vọng, dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà giáo vẫn giữ vững tài đức của mình, trở thành tấm gương sáng cho mọi thế hệ học trò, tiếp tục góp sức trong xây dựng chính sách chung để phát triển giáo dục, góp phần đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ý kiến bạn đọc