Thỏa thuận vũ khí khổng lồ Mỹ - A-rập Xê-út
Một hợp đồng khổng lồ mua bán vũ khí giữa Mỹ và A-rập Xê-út đang được các quan chức hai nước gấp rút hoàn thiện. Ngày 20-10, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về thỏa thuận cung cấp khí tài quân sự trị giá 60 tỷ USD này.
Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là một thương vụ vũ khí lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ này có thể làm tổn hại đến liên minh quân sự Mỹ - I-xra-en vốn được đánh giá khăng khít nhất trong khu vực Trung Đông.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho A-rập Xê-út 84 máy bay phản lực mới F-15, 70 trực thăng Apache, 72 trực thăng Black Hawk và 36 trực thăng AH-6M Little Bird. Ngoài ra, danh sách khí tài quân sự cũng gồm các loại tên lửa, bom, ra-đa hiện đại và những trang thiết bị khác cùng kế hoạch nâng cấp 70 máy bay F-15 thế hệ cũ. Hợp đồng cung cấp khí tài quân sự có thời hạn thực hiện từ 15-20 năm. Lầu Năm Góc khẳng định, thương vụ sẽ góp phần củng cố chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Oa-sinh-tơn thông qua tăng cường quan hệ chiến lược quan trọng với Ri-át, một nhà cung cấp dầu mỏ lớn cho Mỹ.
Trực thăng Apache của Mỹ sớm được chuyển tới A-rập Xê-út sau khi thoả thuận được ký kết. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, phạm vi và quy mô của thỏa thuận giữa Mỹ và A-rập Xê-út đang làm giảm đi vị thế của I-xra-en trong khu vực. I-xra-en từ lâu đã được đánh giá là liên minh quân sự vững chắc của Mỹ trong khu vực và tiềm lực quân sự của I-xra-en cũng được đánh giá là mạnh nhất. Nếu để mối quan hệ Oa-sinh-tơn – Ri-át phát triển lên một tầm cao mới, I-xra-en không còn là đồng minh mạnh nhất của Mỹ. I-xra-en không còn thế chủ động trong việc giải quyết các vấn đề khu vực vì vị trí độc tôn của nước này đã bị Mỹ chia sẻ với các đồng minh khác trong khu vực, đặc biệt là đối với A-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), hai nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Mỹ trong thời gian gần đây.
Bất chấp lo ngại của Ten A-víp, Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định nước này đang hợp tác chặt chẽ với I-xra-en, nhưng ám chỉ I-xra-en không chỉ là nước duy nhất có liên quan đến những vấn đề an ninh trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cũng có trách nhiệm đối với tất cả đồng minh của Mỹ trong khu vực này. Oa-sinh-tơn hiểu rất rõ rằng cần phải phối hợp với Ri-át để giảm gánh nặng cho chính mình. Việc Mỹ tiến hành cuộc chiến chống I-rắc đã làm cho lực lượng quân sự của I-rắc không còn cân bằng với I-ran, nên A-rập Xê-út là cường quốc khu vực duy nhất có thể đối trọng với I-ran. Hợp đồng này cũng là động thái nhằm “can gián” A-rập Xê-út khỏi các nỗ lực tự phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Nhưng không ít nhà phân tích cho rằng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, cộng thêm phải chi tới 1000 tỷ USD cho hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Mỹ buộc phải tìm cách tăng thu, giảm chi về quân sự. Để giảm chi, Tổng thống B. Ô-ba-ma (Barack Obama) đã đưa ra một số tuyên bố về I-rắc. Để tăng thu, Mỹ đã thông qua hình thức bán vũ khí. Ngoài ra, những hợp đồng bán vũ khí có thể giúp Mỹ giảm tỷ lệ thất nghiệp, ví như hợp đồng với A-rập Xê-út sẽ tạo ít nhất 75.000 việc làm trong Boeing và United Technologies.
Như vậy, với Mỹ, thương vụ vũ khí này quả là “lợi đơn lợi kép”, như một mũi tên trúng nhiều đích. Quốc hội Mỹ khó có thể nói "không" với thương vụ này.
Ý kiến bạn đọc