Nước Pháp chìm sâu trong biểu tình
Cảnh sát chống bạo động Pháp ngày 22-10 đã chiếm lại quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu chính ở phía đông Pa-ri bị người biểu tình bao vây suốt những ngày qua. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình sớm chấm dứt khi các nghiệp đoàn vẫn kêu gọi người lao động tiếp tục đấu tranh phản đối kế hoạch nâng tuổi về hưu từ 60 lên 62 của chính phủ.
Theo AP, khoảng 100 cảnh sát được huy động để chọc thủng vòng vây ở nhà máy lọc dầu Grandpuits vào tờ mờ sáng ngày 22-10. Đại diện công đoàn Pháp cho rằng, chiến dịch của cảnh sát là “hắc ám” vì nó diễn ra khi số người biểu tình khá mỏng. Đến buổi trưa, đụng độ đã xảy ra khi những người biểu tình cố dựng lại chướng ngại vật tại lối vào nhà máy Grandpuits, nhằm ngăn các công nhân từ nơi khác tới làm việc. Grandpuits là nhà máy lọc dầu nằm gần Pa-ri nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu cho thủ đô nước Pháp cùng hai sân bay O-li và Sác đờ Gôn.
Thanh niên Pháp xuống đường biểu tình ở thành phố Mác-xây. Ảnh: AFP |
Toàn bộ 12 nhà máy lọc dầu nằm rải rác khắp nước Pháp đã bị ngưng hoạt động trong 11 ngày qua do công nhân phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí của chính phủ. Tình trạng này khiến các kho nhiên liệu và trạm bán lẻ xăng dầu khắp nước Pháp lâm vào tình trạng cạn hàng. Thủ tướng Pháp F.Phi-ông (F.Fillon) ngày 22-10 cho biết, dù chính phủ Pháp đang cố gắng nhập khẩu xăng dầu, song tình trạng khan hiếm nhiên liệu còn diễn ra nhiều ngày nữa.
Không chỉ riêng công nhân ngành xăng dầu, công nhân các ngành khác cũng tiếp tục biểu tình rầm rộ khắp nước Pháp. Công nhân và sinh viên tiếp tục chặn các trung tâm giao thông tại các thành phố lớn. Tại Li-ông và Mác-xây, nhiều thanh niên còn gây náo loạn, ném đá vào xe cộ qua đường. Sáu tổ chức công đoàn lớn ở nước này đã kêu gọi người lao động tiếp tục tham gia hai “Ngày hành động toàn quốc” vào ngày 28-10 và 6-11 nhằm gây sức ép với chính phủ. Tổng thư ký Tổng liên đoàn lao động CGT (tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp), B.Ti-bô (B. Thibault), cho biết các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh nếu chính phủ không có những nhân nhượng với người lao động.
Trong khi đó, Chính phủ Pháp vẫn tỏ rõ thái độ kiên quyết thúc đẩy để kế hoạch cải cách thành hiện thực. Chính phủ khẳng định đó là một biện pháp “chìa khóa” để có thể bảo đảm hệ thống lương hưu tồn tại lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh những khó khăn tài chính hiện nay của nước Pháp. Phát biểu với các quan chức địa phương trong chuyến công du miền Trung nước Pháp, Tổng thống N.Xác-cô-di (N.Sarkozy) tuyên bố sẽ trừng phạt những phần tử lợi dụng biểu tình để gây bạo loạn, đồng thời phản đối việc tiến hành bãi công làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như các hoạt động đời sống ở Pháp.
Ý kiến bạn đọc