Mỹ không đạt được mục tiêu ở I-rắc
Ngày 19-8 vừa qua, lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ đã rời I-rắc sau hơn bảy năm Mỹ phát động cuộc chiến tranh lật đổ chế độ X.Hu-xê-in. Lầu năm góc đã cắt giảm số quân đóng tại I-rắc từ 176 nghìn lúc đỉnh điểm xuống còn chưa đến 50 nghìn từ ngày 1-9.
Cuộc chiến tranh ở I-rắc đã làm hơn 4.400 binh sĩ Mỹ, gần 106.100 dân thường I-rắc chết, tiêu tốn của Mỹ khoảng 740 tỷ USD. Trong ba mục tiêu đề ra cho cuộc xâm lược I-rắc năm 2003, Mỹ đã đạt được hai mục tiêu là phá hủy quân đội I-rắc, lật đổ chế độ X. Hu-xê-in. Nhưng, Mỹ đã thất bại trong mục tiêu thứ ba là dựng lên một chính phủ thân Mỹ ở Bát-đa. Theo kết quả cuộc bầu cử Quốc hội I-rắc ngày 7-3, Liên minh người I-rắc (IL) của cựu Thủ tướng I.A-la-uy đứng đầu với 91 ghế; Liên minh Nhà nước pháp quyền (SOL) của đương kim Thủ tướng I-rắc N. An Ma-li-ki giành 89 ghế; Liên minh Dân tộc I-rắc (INA) về thứ ba: 70 ghế. Như vậy, không liên minh nào giành đa số cần thiết trong Quốc hội 325 ghế để có quyền thành lập chính phủ. Không giải quyết được bất đồng, ngày 17-8 vừa qua, IL và SOL đã chấm dứt các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền dù chưa đạt kết quả cụ thể. Trong khi đó, Mỹ ra sức hối thúc các nhà lãnh đạo I-rắc gạt bỏ những sự khác biệt để thành lập chính phủ mới. Dù thừa nhận là "rất khó", nhưng Phó Tổng thống Mỹ Bai-đơn cho biết, ông sẽ tiếp tục thúc ép để các nhà lãnh đạo chính trị I-rắc đẩy nhanh tiến trình thương lượng.
Quân đội Mỹ rút khỏi I-rắc trong bối cảnh tình hình chính trị I-rắc vẫn rối ren, phức tạp. Mâu thuẫn giữa những người Hồi giáo dòng Xun-nít và người Hồi giáo dòng Si-ít bùng nổ, cùng với hận thù giữa người Hồi giáo dòng Xun-nít và người Cuốc chưa được hóa giải đã đẩy I-rắc vào tình trạng hỗn loạn. Các vụ đánh bom đẫm máu liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng tăng cả trước và sau thời điểm lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ rút khỏi I-rắc. Do vậy, điều mà cả Bát-đa và Oa-sinh-tơn lo ngại là cảnh "nồi da nấu thịt" sau khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi nước này. Trong khi đó, chính quan chức quân đội I-rắc cũng thừa nhận phải mất mười năm hoặc lâu hơn nữa, lực lượng an ninh I-rắc mới đủ khả năng bảo đảm an ninh. Sự tranh giành quyền lực kéo dài giữa các đảng phái chính trị khiến không thành lập được một chính phủ mới, đã tạo ra "khoảng trống quyền lực" ở I-rắc. Tư lệnh quân đội Mỹ tại I-rắc, Tướng Lục quân R.Ô-đi-ê-nô đã để ngỏ khả năng sẵn sàng nối lại nhiệm vụ chiến đấu tại I-rắc trong trường hợp cần thiết và Chính quyền Bát-đa yêu cầu. Việc rút quân hiện nay không phải là thước đo thành công trong chiến lược của Mỹ. Giới chức Mỹ thừa nhận đây chỉ là "mốc" đánh dấu một bước chuyển đổi trong chiếc lược ở quốc gia vùng Vịnh này. Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác, bởi suy thoái kinh tế dẫn đến khủng hoảng tài chính, trong khi Mỹ đang sa lầy ở chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, sức ép từ chính các nghị sĩ và người dân Mỹ cũng buộc Tổng thống Ô-ba-ma phải tiến hành các bước theo "lộ trình" đưa ra trong các cam kết của ông, nhất là vào thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới. Việc Mỹ vẫn bỏ ngỏ cánh cửa để đưa quân đội tác chiến trở lại bất cứ lúc nào nếu I-rắc yêu cầu cũng chỉ là sự "bất đắc dĩ" trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
Khi những binh sĩ cuối cùng của lực lượng chiến đấu Mỹ rời khỏi I-rắc, Lầu năm góc tự cho rằng đã hoàn thành "sứ mệnh" tác chiến và cuộc chiến tranh này đang dần khép lại. Nhưng đối với người dân I-rắc và những gì diễn ra hằng ngày, thì "bóng đen chiến tranh" vẫn bao phủ. Bạo lực ở I-rắc vẫn tiếp diễn và Mỹ đã không đạt được mục tiêu ở nước này.
Ý kiến bạn đọc