Australia lâm vào tình trạng “quốc hội treo”
Bầu cử Quốc hội ở Australia đã kết thúc mà không bên nào giành thắng lợi, khiến Australia đang trong tình trạng quốc hội "treo".
Cả Công Đảng và Đảng Bảo thủ, hai đảng lớn nhất và giành nhiều ghế nhất trong bầu cử, hôm 22.8 đang nỗ lực lôi kéo các nghị sĩ độc lập để thành lập chính phủ mới.
Thủ tướng Australia Julia Gillard (ảnh, trái) thừa nhận rằng, cả Công Đảng của bà lẫn liên minh Bảo thủ đối lập đều không thể giành được đủ 76 ghế cần thiết để có đa số trực tiếp trong hạ viện 150 ghế.
Theo dự đoán, Công Đảng sẽ giành được 72 ghế và Liên minh Bảo thủ tự do/quốc gia của ông Tony Abbott giành được 73 ghế. Bà Gillard cam kết sẽ giữ tình hình trong nước ổn định và hiệu quả trong lúc những phiếu cuối cùng vẫn đang được kiểm. Bà cam kết đàm phán với các nghị sĩ độc lập “một cách trung thực để có thỏa thuận hiệu quả về việc thành lập chính phủ”.
Các nghị sĩ độc lập sẽ nhân cơ hội này để có được những thỏa thuận có lợi nhất cho khu vực bầu cử của họ. Trong vài ngày nữa, người ta sẽ chứng kiến một cuộc ganh đua quyết liệt khi mà bà Gillard và ông Abbott lôi kéo các nghị sĩ độc lập để thành lập chính phủ.
Hai nghị sĩ độc lập là Rob Oakeshott và Tony Winsor cho biết, họ sẽ đứng về phía đảng nào có thể tạo ra một chính phủ ổn định nhất. Nghị sĩ độc lập thứ ba là Bob Katter thì nói rằng, ông sẽ ủng hộ đảng nào hứa hẹn làm những điều có lợi nhất cho khu vực bầu cử của ông. Cả 3 người này đều là cựu thành viên các đảng bảo thủ.
Họ cũng sẽ thảo luận với nhau xem nên liên danh với đảng nào, liên danh một cách riêng rẽ hay thành nhóm. Còn một nghị sĩ độc lập nữa đang chờ kết quả kiểm phiếu. Cuối cùng, một nghị sĩ Đảng Xanh mới được bầu thì đã tỏ ý thiên về Công Đảng hơn, tuy nhiên Đảng Xanh vẫn chưa quyết định chính thức.
Phát biểu khi phiếu chưa kiểm hết, ông Abbott nói rằng chính phủ hiện thời đã mất đi tính hợp pháp và không chính phủ nào của Công Đảng có thể ổn định chính trị Australia. Theo các nhà phân tích, ông Abbott đang khai thác sự chia rẽ của Công Đảng sau khi cựu Thủ tướng Kevin Rudd phải ra đi, nhường ghế cho bà Gillard trong cuộc chạy đua chức vụ lãnh đạo gây nhiều tranh cãi.
Ông Abbott nỗ lực vẽ chân dung liên minh bảo thủ của mình là câu trả lời tốt nhất thay cho một chính phủ bị chia rẽ nội bộ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Abbott cam kết siết chặt luật nhập cư, chỉ trích việc chi tiêu của chính phủ và còn tìm cách giấu đi quan điểm nghi ngờ sự biến đổi khí hậu đang diễn ra trên thế giới.
Còn bà Gillard kêu gọi cuộc bầu cử bất thường này chỉ 2 tháng sau khi bà lên cầm quyền với hy vọng kéo dài được tuần trăng mật của một thủ tướng mới, đồng thời mong cử tri sẽ ủng hộ mình vì cách chính phủ điều hành nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, cử tri đã quay lưng lại với nữ thủ tướng đầu tiên của Australia, chủ yếu vì cách bà lên nắm quyền. Công Đảng thua nặng nề ở 2 bang Queensland và New South Wales, tuy nhiên điều đó cũng chưa đủ đem lại thắng lợi cho Liên minh Bảo thủ.
Hiện giờ Australia vẫn còn phải chờ đợi kiểm nốt một số lượng khá lớn phiếu bầu qua bưu điện và kết quả cuối cùng chỉ có thể được công bố sớm nhất vào tuần tới. Trong lúc chờ đợi, Australia vẫn trong tình trạng mà các nhà phân tích cho là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ nhiều thập kỷ qua ở nước này.
Ý kiến bạn đọc