Thế giới tuần qua: Mỹ và Hàn Quốc phô trương sức mạnh liên minh
Sau thất bại ngoại giao tại Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ, khi không nhận được sự ủng hộ của cơ quan này đối với cáo buộc CHDCND Triều Tiên dính líu vụ chìm tàu Chơ-nan, Mỹ và Hàn Quốc xúc tiến một loạt động thái nhằm phô trương sức mạnh của liên minh Mỹ - Hàn Quốc, gửi thông điệp cứng rắn tới Bình Nhưỡng.
Từ ngày 25 đến 28-7, quân đội Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển Nhật Bản, huy động một lực lượng hỗn hợp gồm khoảng 8.000 binh sĩ, hơn 20 tàu ngầm và tàu chiến, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington, cùng khoảng 200 máy bay. Cuộc tập trận được đánh giá là màn phô trương sức mạnh quân sự quy mô lớn của liên minh Mỹ - Hàn Quốc. CHDCND Triều Tiên đã lên án mạnh mẽ cuộc tập trận, cho đó hoàn toàn là hành vi khiêu khích trắng trợn đối với Bình Nhưỡng và cảnh báo sử dụng biện pháp "răn đe hạt nhân mạnh" để đáp trả. Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Mỹ đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến giai đoạn cực đoan và Oa-sinh-tơn phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả nguy hại của chính sách phá hoại hòa bình và ổn định tại khu vực này.
ASEAN khẳng định vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực
Hơn một nghìn khách quốc tế và Việt Nam đã tham gia các hoạt động của gần 20 hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM-43) và các Hội nghị liên quan, diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 19 đến 23-7. Kết quả tốt đẹp của các hội nghị cho thấy quyết tâm của ASEAN, nhất là nước chủ nhà, đồng thời là Chủ tịch ASEAN 2010, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trên cơ sở Hiến chương ASEAN, cũng như tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác ở khu vực.
Một thành công đáng nhớ của AMM-43 là các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí trình Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tháng 10 tới, tại Hà Nội, chính thức mời Mỹ và Nga tham gia Cấp cao Ðông Á (EAS - gồm 10 nước ASEAN và các đối tác Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Di-lân). Sự tham gia tới đây của Mỹ và Nga vào EAS đã khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình hợp tác quan trọng này của khu vực. Hoạt động cuối cùng trong tuần lễ AMM-43, nhưng lại là một điểm nhấn quan trọng, đó là Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF-17), với sự góp mặt đông đủ đại diện của 27 thành viên ARF, nhất là sự có mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn. Việc thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của ASEAN thúc đẩy ARF với tư cách là diễn đàn chủ chốt về đối thoại và hợp tác chính trị và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng tại AMM-43, giá trị của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC) đã được nâng lên hơn nữa, thông qua việc Ca-na-đa và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận tham gia TAC và Nghị định thư thứ 3 sửa đổi TAC được ký kết để tạo điều kiện EU/EC có thể tham gia TAC trong tương lai gần...
Các nước ASEAN và các đối tác khẳng định thành công của AMM-43 và các hội nghị liên quan có vai trò và sự đóng góp tích cực của nước chủ nhà Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Những kết quả vừa đạt được tại AMM-43 sẽ là lực đẩy mới, giúp Hiệp hội tăng tốc xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, bền vững và giữ vững vai trò hạt nhân trong cấu trúc mới đang định hình ở khu vực.
ICJ ủng hộ tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của LHQ, có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) ngày 22-7 ra phán quyết cho rằng, hành động đơn phương tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô không vi phạm luật pháp quốc tế. ICJ khẳng định đây không phải là quyết định có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, mà chỉ là ý kiến tham khảo. Các hành động tiếp theo đối với vấn đề Cô-xô-vô do Ðại hội đồng LHQ quyết định. Ngay sau khi Tòa án La Hay ra phán quyết nói trên, Mỹ và phần lớn các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) hoan nghênh và coi đây là thắng lợi của Cô-xô-vô. Mỹ kêu gọi châu Âu đoàn kết sau phán quyết của ICJ. EU thúc giục Xéc-bi-a và Cô-xô-vô xúc tiến đối thoại, nhằm thúc đẩy hợp tác và tiến trình hội nhập châu Âu.
Trong khi đó, Xéc-bi-a kịch liệt phản đối phán quyết của ICJ, tuyên bố không bao giờ công nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, lãnh thổ Bê-ô-grát luôn coi là một tỉnh phía nam của mình. Xéc-bi-a sẽ kiên trì chính sách đấu tranh hòa bình, chính trị, ngoại giao để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nga chia sẻ quan điểm của Xéc-bi-a trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này bảo lưu quan điểm bác bỏ tuyên bố độc lập của Cô-xô-vô. Trung Quốc cũng khẳng định lại lập trường tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Xéc-bi-a... Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun kêu gọi các bên kiềm chế và đề nghị chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết.
Tỉnh Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố tách khỏi Xéc-bi-a từ ngày 16-2-2008. Ðến nay, có hơn 50 nước, trong đó có Mỹ và 22 trong 27 thành viên EU công nhận độc lập của Cô-xô-vô. Giới phân tích chính trị quốc tế cảnh báo, tuy không trực tiếp thừa nhận nền độc lập của Cô-xô-vô, nhưng quyết định của ICJ cũng hết sức nguy hiểm đối với vấn đề biên giới, lãnh thổ trên thế giới, nhất là ở những quốc gia đang đối mặt các phong trào ly khai.
Ý kiến bạn đọc