Ðảng DPJ cầm quyền ở Nhật Bản bị thất bại trong bầu cử Thượng viện

07:53, 13/07/2010

Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 11-7 vừa qua đã có kết quả chính thức. Ðảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền chỉ giành được 44 ghế, mất mười ghế so trước bầu cử, và liên minh cầm quyền đánh mất thế chiếm đa số tại Thượng viện.


Kết quả này thể hiện sự không hài lòng của cử tri Nhật Bản đối với mười tháng cầm quyền vừa qua của DPJ, khiến chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các chính sách quan trọng tại QH.

Ðây là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử Hạ viện tháng 8-2009 dẫn tới sự "đổi ngôi" đảng cầm quyền từ đảng Dân chủ Tự do (LDP) sang DPJ. Thượng viện có quyền ngăn cản việc thông qua các dự luật, trừ các hiệp ước và ngân sách, và là cơ quan ít quyền lực hơn trong hai viện của QH Nhật Bản. Thượng viện có 242 ghế, với nhiệm kỳ sáu năm, cứ ba năm bầu lại một nửa số ghế. Trong cuộc bầu cử năm nay các đảng đưa ra tổng cộng 437 ứng cử viên đua tranh 121 ghế.

Theo kết quả bầu cử được đài truyền hình NHK công bố sáng 12-7, trong tổng số 121 ghế được bầu lại: DPJ được 44 ghế; LDP được 51 ghế (tăng 13 ghế so trước bầu cử); Ðảng của bạn (YP): mười ghế; đảng Công minh mới (NKP): chín ghế; đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP): ba ghế; đảng Xã hội Dân chủ (SDP): hai ghế; đảng Bình minh Nhật Bản (SPJ) và đảng Phục hưng mới (NRP): mỗi đảng được một ghế; đối tác của DPJ trong liên minh cầm quyền là đảng Nhân dân mới (PNP) không được ghế nào. Như vậy, trong tổng số 242 ghế tại Thượng viện, liên minh cầm quyền đánh mất thế quá bán 122 ghế trước bầu cử, chỉ còn 110 ghế.

Theo nhiều nhà phân tích, bước lùi của DPJ trong bầu cử Thượng viện là hậu quả trực tiếp của việc đảng này thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cương lĩnh tranh cử, trong đó đáng tiếc nhất là việc nêu vấn đề tăng thuế tiêu dùng. Thủ tướng N.Can đã đề xuất tăng thuế tiêu dùng để bù đắp sự thiếu hụt tài chính cho các chương trình phúc lợi xã hội và cắt giảm mức nợ công khổng lồ (hiện gấp hai lần GDP), nhằm tránh khỏi "vết xe đổ" khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, đề xuất này đi ngược lại chính cam kết DPJ đưa ra khi tranh cử Hạ viện năm 2009 là sẽ không tăng thuế tiêu dùng trong vòng bốn năm, gây chia rẽ giữa DPJ với PNP trong liên minh cầm quyền và cũng ảnh hưởng không nhỏ tâm lý của cử tri trước bầu cử, khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Can từ hơn 60% sau khi nhậm chức tháng 6 vừa qua tụt xuống còn gần 40%.  

Một số nhà quan sát chỉ ra nguyên nhân sâu xa hơn dẫn tới sự thất thế của DPJ trong bầu cử Thượng viện là sự thiếu ổn định và rõ ràng về đường lối của đảng này trong mười tháng cầm quyền vừa qua. Trong bối cảnh, về kinh tế là hai thập kỷ chìm trong trì trệ và giảm phát, về chính trị là việc liên tiếp các thủ tướng phải từ chức trong vòng một năm cầm quyền kể từ năm 2006, cử tri Nhật Bản mong có một đảng cầm quyền đủ khả năng thay đổi diện mạo đất nước. Và họ đã gửi gắm nguyện vọng đó ở DPJ khi đảng này đưa ra một loạt cam kết tranh cử Hạ viện tháng 8-2009, trong đó đáng chú ý về đối ngoại là tìm kiếm quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ, về đối nội là cắt giảm chi tiêu công lãng phí, cải cách hành chính, kích cầu tiêu dùng..., giúp DPJ giành thắng lợi trong bầu cử và trở thành đảng cầm quyền. Tuy nhiên, chỉ sau tám tháng cầm quyền, Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma của DPJ đã phải từ chức do không thực hiện được những lời hứa khi tranh cử, trong đó có vấn đề di chuyển căn cứ quân sự Phư-ten-ma của Mỹ ở đảo Ô-ki-ni-oa, và trong khi chưa cắt giảm được những chi tiêu công lãng phí thì một số lãnh đạo cấp cao của DPJ lại dính vào những vụ bê bối gây quỹ chính trị. Sau khi lên thay ông Ha-tô-y-a-ma, ông N.Can lập tức cải tổ chính phủ cũng như ban lãnh đạo DPJ, giúp đảng này lấy lại phần nào niềm tin của cử tri. Tuy nhiên, hy vọng vừa được nhen lên lại lụi nhanh khi DPJ đưa ra cương lĩnh tranh cử Thượng viện không rõ nét, với những chủ trương lớn khá giống của đối thủ chính là LDP, như củng cố lại quan hệ đồng minh với Mỹ hay vấn đề tăng thuế tiêu dùng...

Sự thất thế tại Thượng viện hiện nay không đe dọa vị trí đảng cầm quyền của DPJ vì đảng này chiếm đa số tại Hạ viện và nắm trong tay quyền thành lập chính phủ. Tuy nhiên, DPJ sẽ phải vất vả thương lượng và thỏa hiệp về chính sách với các đảng khác để có thể thông qua những chính sách quan trọng tại Thượng viện, mà trước hết là những biện pháp cải cách hệ thống tài chính thiết yếu cho sự phục hồi lành mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ðối với cá nhân Thủ tướng N.Can, thách thức từ nội bộ DPJ sẽ ngày càng lớn, đặc biệt là sức ép từ phái của cựu Tổng Thư ký DPJ Ô-da-oa, người đã phải từ chức cùng cựu Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma. Phái này hiện có hơn 100 nghị sĩ tại QH, là thế lực lớn nhất trong DPJ. Nhiệm kỳ Chủ tịch DPJ của ông Can sẽ hết vào tháng 9 tới và ông sẽ phải đối mặt cuộc bầu cử Chủ tịch đảng này trong thế đầy khó khăn.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

5 kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thay đổi tư duy và cú sốc tích cực
Mỗi năm, kỳ thi TN THPT luôn là sự quan tâm hàng đầu của gần một triệu học sinh và gia đình các em, của một triệu thầy cô giáo cả nước và của hàng chục triệu người Việt Nam, vì đây là sự kiện đánh dấu nỗ lực suốt gần 20 năm trời không chỉ của bản thân mỗi học sinh mà còn của các bậc cha mẹ, ông bà…
30/06/2010
Hơn 90% số cử tri Cư-rơ-gư-xtan ủng hộ bản hiến pháp mới
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban bầu cử trung ương Cư-rơ-gư-xtan (CEC), công bố trên trang web riêng sau khi kiểm phiếu tại hơn 90% điểm bỏ phiếu trên cả nước, có 90,7% số cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân ủng hộ bản hiến pháp mới của nước này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, chỉ có 7,96% số cử tri phản đối. Gần 70% trong tổng số khoảng 2,7 triệu cử tri
29/06/2010
Ưu tiên bảo vệ và tăng cường sự phục hồi của nền kinh tế
Sáng 28-6 (giờ Hà Nội), Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã bế mạc tại TP Tô-rôn-tô (Ca-na-đa) với việc thông qua Tuyên bố chung của các lãnh đạo G-20.
29/06/2010
Cử tri Cư-rơ-gư-xtan bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp mới
Như Báo Nhân Dân đưa tin, khoảng hai triệu cử tri Cư-rơ-gư-xtan đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân, tổ chức ngày 27-6, để lựa chọn thể chế quốc gia chuyển từ chính quyền tổng thống sang nền dân chủ nghị viện.
28/06/2010