G20 - Cơ chế nòng cốt giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu
Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) họp trong hai ngày 26 và 27-6 tới, tại Tô-rôn-tô (Ca-na-đa).
Các nhà lãnh đạo G20, các quốc gia khách mời và đại diện các tổ chức tài chính quốc tế thảo luận những biện pháp phối hợp nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn.
Hội nghị cấp cao G20 lần thứ ba (ngày 24-9-2009, tại Pít-xbớc, Mỹ) diễn ra vào thời điểm một năm sau sự kiện sụp đổ hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính lớn của Mỹ và châu Âu đã nhất trí đưa G20 thành cơ chế nòng cốt trong giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới đã chạm đáy, suy thoái kinh tế toàn cầu chững lại và triển vọng phục hồi rõ ràng hơn, do có hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế với quy mô lớn chưa từng có, ở cả cấp độ quốc gia và phối hợp toàn cầu. Hội nghị Pít-xbớc đạt thỏa thuận về một loạt vấn đề về khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng cường hệ thống quản lý tài chính quốc tế, cải cách thể chế kinh tế - tài chính toàn cầu... Trong khuôn khổ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng và bền vững, được thông qua tại Hội nghị Pít-xbớc, G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng cân bằng thông qua kích cầu nội địa, giảm mất cân đối toàn cầu; tiếp tục kích thích kinh tế và nhất trí nghiên cứu đề xuất chiến lược rút lại các biện pháp kích thích một cách minh bạch, tin cậy và mang tính phối hợp về thời điểm, lộ trình phù hợp từng nước thành viên. Hội nghị cũng đưa ra nhiều biện pháp cụ thể tăng cường hệ thống quản lý tài chính quốc tế, như cam kết xây dựng các quy định toàn cầu về cải thiện vốn ngân hàng, thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngăn chặn các rủi ro trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng... Tại Hội nghị Pít-xbớc, vai trò và tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển trong hệ thống tài chính quốc tế đã được nâng lên rõ rệt, khi G20 cam kết cải cách cơ chế bỏ phiếu trong Ngân hàng thế giới (WB) một cách bình đẳng, phản ánh đúng tỷ trọng kinh tế của các nước; tăng ít nhất 3% quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển. G20 cũng tăng tỷ lệ góp vốn của các nền kinh tế mới nổi trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi vẫn bảo đảm tỷ lệ góp vốn của các nước nghèo. G20 cũng nhất trí chống bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy thương mại và đầu tư; cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp kích thích kinh tế; cam kết nâng cao tính minh bạch và ổn định thị trường năng lượng, ủng hộ mục tiêu đạt được thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu...
Hội nghị cấp cao G20 lần thứ 4, diễn ra tại Tô-rôn-tô, Ca-na-đa, từ ngày 26 đến 27-6 tới, là dịp để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới thảo luận, tìm biện pháp thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới. Dự hội nghị có lãnh đạo và đại diện 20 nước thuộc G20, đại diện các nước khách mời (gồm Việt Nam, Ma-la-uy, Ê-ti-ô-pi-a, Tây Ban Nha và Hà Lan), các tổ chức tài chính quốc tế. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, nhưng phải đối mặt nhiều thách thức lớn. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, nhất là ở châu Á lấy lại tốc độ tăng trưởng cao và đang là động lực chính của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi các nền kinh tế phát triển, như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, lại phục hồi tương đối chậm. Các thách thức lớn đặt ra cho kinh tế toàn cầu gồm nợ công cao, nhất là ở châu Âu; thất nghiệp tăng; tình trạng tăng trưởng nóng và lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi...
Hội nghị Tô-rôn-tô dự kiến thảo luận đánh giá triển vọng phục hồi và các thách thức đối với kinh tế thế giới, trong đó có kế hoạch rút lại các gói kích thích kinh tế và vấn đề mới nổi lên như thắt chặt ngân sách, nhằm giảm nợ công... Hội nghị sẽ xem xét đưa ra khuyến nghị về cải cách thể chế tài chính quốc tế và khu vực, về thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, chống bảo hộ mậu dịch... Hội nghị cũng xem xét một số vấn đề về phát triển.
Việt Nam lần đầu tham dự Hội nghị cấp cao G20 với mục tiêu đại diện các nước ASEAN góp phần vào giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu. Qua đó khẳng định ASEAN là thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào quá trình xây dựng thể chế G20 cũng như cơ chế quản trị toàn cầu, phù hợp lợi ích các nền kinh tế đang phát triển.
Các nền kinh tế thành viên G20: Mỹ, Anh, Ðức, Pháp, Nhật Bản, Ca-na-đa, I-ta-li-a, Liên hiệp châu Âu (EU), Bra-xin, Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a, Ác-hen-ti-a, Mê-hi-cô, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ.
G20 chiếm hai phần ba dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.
|
Ý kiến bạn đọc