Triều Tiên tuyên bố nổ súng

08:54, 25/05/2010
Triều Tiên đã có phản ứng rất cứng rắn sau khi Hàn Quốc công bố những biện pháp đối phó với Bình Nhưỡng do vụ đắm tàu Cheonan.

Binh lính Hàn Quốc tại biên giới với Triều Tiên. (Nguồn: AP)

 

Những gì hai miền thể hiện trong vụ chìm tàu hy hữu trong lịch sử này đến nay vẫn chỉ dừng ở các tuyên bố, nhưng chỉ những tuyên bố đó cũng đủ làm tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng.

 

Bình Nhưỡng ngày 24/5 tuyên bố, sẽ nổ súng phá hủy hệ thống loa phóng thanh nếu Hàn Quốc lắp đặt các thiết bị này dọc khu vực giới tuyến liên Triều để phát thông điệp chống phá miền Bắc. “Nếu miền Nam mở một cuộc chiến tranh tâm lý với chúng ta, như lắp đặt loa phóng thanh, chúng ta sẽ chĩa thẳng súng để phá hủy hệ thống này”.

 

Tư lệnh các lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) tại khu vực giới tuyến còn cho rằng, việc Hàn Quốc nối lại cuộc chiến tranh tâm lý chống Triều Tiên là "vi phạm Hiệp định quân sự liên Triều" và là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng nhằm vào Triều Tiên, sẽ đẩy quan hệ giữa hai miền vào một "giai đoạn tồi tệ".

 

Quan chức này nhấn mạnh, trong trường hợp Seoul tiếp tục thách thức Bình Nhưỡng, KPA sẽ "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của những hành động khiêu khích này bằng một cuộc tấn công vũ bão hơn".

 

Công cuộc công kích lẫn nhau này đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào một giai đoạn căng thẳng hiếm thấy. Những tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng-bakvề việc đưa vụ việc tàu Cheonan ra HĐBA LHQ, siết chặt lệnh cấm vận với Bình Nhưỡng và yêu cầu Triều Tiên phải xin lỗi về vụ tàu đắm này đã báo hiệu những khó khăn mà Bình Nhưỡng phải đối mặt, trong bối cảnh các đồng minh của Hàn Quốc cũng tỏ thái độ ủng hộ thái độ cứng rắn của Seoul.

 

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị cho các tư lệnh quân đội Mỹ "hợp tác chặt chẽ" với Seoul trong trường hợp Bình Nhưỡng quyết định sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton vẫn tuyên bố, cần ngăn chặn căng thẳng leo thang.

 

Còn người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Hirofumi Hirano cho biết, nước này ủng hộ quyết định của Seoul . "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ Hàn Quốc, chúng tôi đang có kế hoạch tăng cường sự hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc về những hành động với Triều Tiên trong đó có những hành động tại diễn đàn của HĐBA LHQ. Chúng tôi cũng ngay lập tức xem xét những hành động riêng rẽ để áp dụng với Bình Nhưỡng”.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã một lần nữa kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc ngày 24/5 nhấn mạnh: "Vụ tàu Cheonan cần được giải quyết một cách công bằng và khách quan như mọi vấn đề quốc tế khác".


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chính phủ Thái-lan bác bỏ can thiệp từ bên ngoài
Theo tin từ Băng-cốc, ngày 29-4, Ðại sứ Liên hiệp châu Âu (EU) tại Băng-cốc ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Thái-lan và kêu gọi các bên liên quan đàm phán tìm giải pháp cho cuộc xung đột chính trị, thông qua biện pháp hòa bình và dân chủ.
30/04/2010
Tổng thống bị phế truất C.Bakiyev bị buộc tội tổ chức giết người hàng loạt
Theo ITAR-TASS, ngày 27-4, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã buộc tội vắng mặt Tổng thống bị phế truất C.Bakiyev tội tổ chức giết người hàng loạt và lạm dụng quyền lực.
28/04/2010
Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan thành lập Ủy ban bảo đảm pháp chế và an ninh
Ngày 26-4, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã thành lập một ủy ban bảo đảm pháp chế và an ninh nhằm ổn định tình hình trong nước, truy tố những kẻ tội phạm gây ra cái chết của thường dân ngày 7-4 vừa qua cũng như ngăn chặn những yếu tố thổi bùng ngọn lửa hằn thù giữa các dân tộc, nạn trộm phá và cướp bóc.
27/04/2010
Căn cứ của NATO tại Áp-ga-ni-xtan bị tiến công
Theo tin nước ngoài, các quan chức Áp-ga-ni-xtan cho biết, tối 22-5, phiến quân Ta-li-ban nã rốc-két, pháo cối vào khu vực sân bay Can-đa-ha, căn cứ lớn nhất của NATO ở miền nam Áp-ga-ni-xtan, làm một số binh sĩ NATO và công nhân bị thương.
24/05/2010