Thái Lan: UDD chấp nhận đàm phán
Gần 40 người thiệt mạng, khoảng 300 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa quân đội và những người ủng hộ Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) đang khiến dư luận trong và ngoài Thái Lan đặc biệt quan ngại.
Ngày 18/5, ông Nattawut Saikuwa, lãnh đạo UDD đưa ra tuyên bố, sẵn sàng chấp nhận đàm phán dưới vai trò trung gian của Chủ tịch Thượng viện Prasobsuk Boondej. Nhưng người phát ngôn của chính phủ Panitan Wattanayakorn từng khẳng định, đàm phán hòa bình chỉ được nối lại sau khi người biểu tình rời khỏi Ratchaprasong.
Giới truyền thông cho biết, trước đó ông Nattawut Saikuwa đã gọi điện cho ông Korbsak Sabhavasu, thư ký của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đề xuất "một lệnh ngừng bắn" giữa những người biểu tình áo đỏ và quân đội chính phủ.
Theo ông Nattawut Saikuwa, nếu quân đội ngừng bắn, UDD sẽ kêu gọi người biểu tình từ các khu vực xa trung tâm thủ đô quay trở về "căn cứ chính". Nhưng chính phủ đã bác bỏ đề xuất này. Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban phụ trách các vấn đề an ninh coi đề xuất của UDD là vô lý.
Người biểu tình UDD. |
Ông Suthep Thaugsuban cũng khẳng định, lực lượng an ninh không nhằm bắn vào dân thường và đang thực thi trách nhiệm phù hợp với mệnh lệnh của chính quyền. Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban nhấn mạnh, các biện pháp ngăn chặn của chính phủ nhằm chấm dứt việc tiếp tế lương thực, giảm số lượng người biểu tình mới và gây sức ép buộc họ trở về nhà.
Trung tâm xử lý các tình trạng khẩn cấp (CRES) cũng đã đưa ra tối hậu thư, yêu cầu người biểu tình phải giải tán khỏi khu vực Rajprasong ở trung tâm thủ đô Bangkok trước 15 giờ ngày 17/5, nhưng cho đến nay mọi việc vẫn án binh bất động.
Được biết, hiện vẫn còn khoảng 5.000 người biểu tình, trong đó có hàng trăm phụ nữ và trẻ em vẫn đồn trú tại khu vực biểu tình. Người phát ngôn của CRES, Đại tá Sansern Kaewkamnerd cảnh báo, có một nhóm người vũ trang (từ 5 đến 10 người, trang phục giống các binh sĩ) xuất hiện trên các tòa nhà cao tầng gần địa điểm chính của người biểu tình, và mục tiêu của họ là nhằm vào cả người dân vô tội lẫn nhân viên an ninh chính phủ.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc Navi Pinlay vừa ra tuyên bố, kêu gọi 2 bên đàm phán và chấm dứt bạo lực. Liên hợp quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đã kêu gọi chính phủ và người biểu tình cần "bắt đầu cuộc đối thoại mới, thực sự và chân thành" trước khi tình hình trở nên không thể cứu vãn.
Những bất ổn trên chính trường khiến 2 hệ thống tàu hỏa chính, hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao ở thủ đô đã phải đóng cửa 4 ngày qua. Trường học và các văn phòng chính phủ cũng phải đóng cửa..
Ý kiến bạn đọc