Cư-rơ-gư-xtan bên bờ vực bị chia cắt

08:03, 22/04/2010

Tình hình tại Cư-rơ-gư-xtan tiếp tục căng thẳng, mặc dù Tổng thống Cuốc-man-bếch Ba-ki-ép đã từ chức và rời khỏi nước Trung Á này.


Những người ủng hộ ông Ba-ki-ép tại thành phố miền nam Gia-la-la-bát đã biểu tình trước trụ sở cơ quan chính quyền địa phương phản đối chính phủ lâm thời và đòi đưa ông Ba-ki-ép trở lại nắm quyền. Căng thẳng chính trị dâng cao khiến dư luận lo ngại Cư-rơ-gư-xtan đứng trước nguy cơ nội chiến, chia cắt hai miền nam-bắc do bất đồng giữa chính phủ lâm thời và lực lượng ủng hộ chính quyền của ông Ba-ki-ép.


Ngày 17-4, khoảng 500 người, phần lớn là cảnh sát, đã biểu tình ngay trước trụ sở cơ quan hành chính địa phương ở Gia-la-la-bát, đòi lãnh đạo đất nước không sử dụng lực lượng cảnh sát trong các vụ mâu thuẫn chính trị. Trong khi đó, một nhóm khác biểu tình ủng hộ cựu Bộ trưởng Quốc phòng B.Ca-lư-ép, hiện đang bị chính quyền lâm thời bắt với cáo buộc ra lệnh bắn vào đám đông người biểu tình ở Thủ đô Bi-skếch ngày 7-4 làm 84 người thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương. Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ lâm thời B.Séc-ni-y-a-dốp tới Gia-la-la-bát để thương thảo đã bị lực lượng biểu tình sử dụng chai lọ và gạch đá tiến công buộc ông này phải rút chạy. Những người biểu tình đã chiếm đài truyền hình địa phương Gia-la-la-bát và yêu cầu phát sóng một tuyên bố của họ. Trước đó, đã xảy ra đụng độ tại

TP O-sơ giữa những người ủng hộ và chống đối ông Ba-ki-ép. Ông Ba-ki-ép bác bỏ cáo buộc ông đã ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn vào những người biểu tình ở Bi-skếch và cảnh báo, bất kỳ những âm mưu nào nhằm giết hại ông cũng sẽ dẫn đến đổ máu.

Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ lâm thời Cư-rơ-gư-xtan R.Ô-tun-bai-ép-va tuyên bố, cựu Tổng thống Ba-ki-ép khó có thể trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật dù ở bất cứ quốc gia nào. Chính phủ lâm thời đã yêu cầu đưa ông Ba-ki-ép ra tòa để xét xử vì tội "gây đổ máu" trong các cuộc biểu tình của quần chúng gần đây. Bà cáo buộc ông Ba-ki-ép đã kích động người dân ở miền nam Cư-rơ-gư-xtan xuống đường làm cho tình hình thêm căng thẳng và đẩy nước này đến bên bờ của một cuộc nội chiến. Bà Ô-tun-bai-ép-va cho biết, lực lượng an ninh nước này có thể bắt giữ ông Ba-ki-ép, tuy nhiên, hành động này có thể gây thêm đổ máu,  do vậy Chính phủ lâm thời đã quyết định cho phép ông Ba-ki-ép rời khỏi Cư-rơ-gư-xtan. Chính phủ lâm thời kêu gọi người dân Cư-rơ-gư-xtan bình tĩnh và không để bị khiêu khích, đồng thời cam kết chính phủ có thể bảo đảm an ninh cho nhân dân.

Căng thẳng chính trị những ngày qua ở Cư-rơ-gư-xtan đã dẫn đến việc cảnh sát và các lực lượng vũ trang nước này đã chuyển sang phe đối lập. Chính phủ lâm thời Cư-rơ-gư-xtan đã đình chỉ hoạt động của Tòa án Hiến pháp, cách chức Chánh án Tòa án tối cao; truất quyền được miễn tố của Tổng thống Ba-ki-ép; ra lệnh truy nã và bắt giữ cựu Thủ tướng Ð.U-xê-nốp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng B.Ca-lư-ép, em trai ông Ba-ki-ép là Giám đốc Cơ quan bảo vệ quốc gia và con trai ông Ba-ki-ép làm việc tại Cơ quan An ninh quốc gia, với lý do tổ chức giết người hàng loạt. Ðồng thời, Chính phủ lâm thời Cư-rơ-gư-xtan giải tán QH và thông báo kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng sáu tháng. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân châm ngòi cho phe đối lập làm chính biến ở Cư-rơ-gư-xtan bắt nguồn từ bất bình của người dân đối với cách quản lý và điều hành đất nước của chính phủ dưới quyền Tổng thống Ba-ki-ép. Phe đối lập cáo buộc ông Ba-ki-ép chỉ tập trung củng cố quyền lực, duy trì chế độ lãnh đạo kiểu gia đình trị, để xảy ra tình trạng tham nhũng tràn lan và nền kinh tế suy giảm trầm trọng. Phó Thủ tướng lâm thời phụ trách tài chính T.Xa-ri-ép cho biết, ngân sách quốc gia của Cư-rơ-gư-xtan hiện chỉ còn khoảng 50 triệu USD, trong khi nước này phải trả 67 triệu USD nợ nước ngoài trong năm nay. Chính phủ lâm thời kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ kinh tế khẩn cấp và quyết định chuyển Quỹ Phát triển, đầu tư và sáng chế do con trai Tổng thống  là Mác-xim Ba-ki-ép điều hành, sang sở hữu Nhà nước. Quỹ này có số vốn gần 280 triệu USD, nhưng mới sử dụng 100 triệu USD cho một dự án thủy điện.

Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép cảnh báo, Cư-rơ-gư-xtan đang đứng trước nguy cơ xảy ra nội chiến và khả năng chia cắt đất nước thành hai miền nam-bắc. Khi đó, những phần tử cực đoan thuộc nhiều thành phần ở một số nơi có thể kéo đến Cư-rơ-gư-xtan và biến nước này thành một Áp-ga-ni-xtan thứ hai. Vì vậy, theo ông Mét-vê-đép, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các bên xung đột ở Cư-rơ-gư-xtan tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Ông Mét-vê-đép cũng kêu gọi tất cả các lực lượng tại Cư-rơ-gư-xtan cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân và sự tồn vong của Nhà nước Cư-rơ-gư-xtan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính A.Cu-đrin cho biết, Nga sẽ dành 20 triệu USD viện trợ và khoản vay ưu đãi 30 triệu USD giúp Cư-rơ-gư-xtan vượt qua thời điểm cực kỳ khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội hiện nay.

Cuộc chính biến đang gây chia rẽ nhân dân Cư-rơ-gư-xtan khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại và kêu gọi các bên xung đột ở nước này giải quyết tình hình trong nước bằng các biện pháp hợp hiến, tránh sử dụng vũ lực và gây đổ máu. Ðại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Trung Á M.Gien-ca đã tới Cư-rơ-gư-xtan nhằm giúp Chính phủ lâm thời mới đạt được hòa bình và phát triển. Vị trí chiến lược của Cư-rơ-gư-xtan khiến nhiều nước lớn như Nga, Mỹ và Trung Quốc rất quan tâm. Chính phủ lâm thời Cư-rơ-gư-xtan tuyên bố tiếp tục gia hạn một năm hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ không quân Ma-nát, trạm trung chuyển quan trọng cho lực lượng quân sự Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và từng là một nguyên nhân gây căng thẳng với Nga. Tuy nhiên, bà Ô-tun-bai-ép-va khẳng định, chính phủ mới luôn coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Cư-rơ-gư-xtan, đồng thời phủ nhận sự dính líu của Mát-xcơ-va tới cuộc chính biến vừa qua.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nổ bom tại các ga tàu điện ngầm ở Nga
*Việt Nam lên án các vụ đánh bom ở Nga. Các hãng tin Nga dẫn nguồn Bộ Tình trạng khẩn cấp nước này cho biết, sáng 29-3, liên tiếp xảy ra hai vụ nổ tại các ga tàu điện ngầm vào giờ cao điểm ở Thủ đô Moscow của Nga.
30/03/2010
Tình hình Trung Ðông căng thẳng
Theo AFP, ngày 28-4, trước sự lên án và sức ép của cộng đồng quốc tế, I-xra-en đã buộc phải rút binh sĩ, xe tăng và xe ủi bọc thép khỏi vùng đất của người Pa-le-xtin ở phía nam dải Ga-da, sau khi mở cuộc tiến công vào khu vực này ngày 26-3 vừa qua.
29/03/2010
Sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2010
Ngày 25-3, Bộ Giáo dục và Ðào tạo thông báo các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2010.
26/03/2010
Còn nhiều trở ngại trong việc chấm dứt nội chiến ở Sudan
Tại Thủ đô Doha của Qatar, Chính phủ Sudan và Phong trào Công lý và Giải phóng (LJM), nhóm nổi dậy thứ hai ở Darfur, vừa ký hiệp định khung ngừng bắn, nhằm tiến tới ngừng bắn hoàn toàn, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài bảy năm qua ở khu vực Darfur, miền tây Sudan.
25/03/2010