Còn nhiều trở ngại trong việc chấm dứt nội chiến ở Sudan
Tại Thủ đô Doha của Qatar, Chính phủ Sudan và Phong trào Công lý và Giải phóng (LJM), nhóm nổi dậy thứ hai ở Darfur, vừa ký hiệp định khung ngừng bắn, nhằm tiến tới ngừng bắn hoàn toàn, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài bảy năm qua ở khu vực Darfur, miền tây Sudan.
Trong khi đó, ngày 21-3, một hội nghị quốc tế về phát triển và tái thiết Darfur đã khai mạc tại Thủ đô Cairo (Ai Cập) nhằm quyên góp hai tỷ USD giúp thực hiện các dự án tại khu vực bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến này. Các nhà tài trợ cho rằng, chìa khóa cho vấn đề Darfur là tăng cường phát triển và cải thiện điều kiện sống cho người dân ở đây. Hòa bình ở khu vực này sẽ không thể thực hiện nếu chỉ có các thỏa thuận chính trị. Ðây được coi là những tín hiệu tốt trong bối cảnh Sudan chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và QH vào ngày 11-4 tới, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước này kể từ năm 1986. Tuy nhiên, nhóm nổi dậy JEM phản đối việc ký thỏa thuận giữa chính phủ và LJM vì JEM muốn sáp nhập với LJM thành một nhóm để đàm phán với Chính phủ Khắc-tum. JEM kêu gọi hoãn các cuộc bầu cử tháng 4 vì không thể đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện ở Darfur sau khi đã qua thời hạn chót ngày 15-3 vừa qua.
Chính phủ Sudan cam kết bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra đúng dự kiến. Theo kế hoạch, Sudan sẽ tổ chức cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên trong 24 năm nay nhằm thực hiện một phần quan trọng của hiệp định hòa bình năm 2005 chấm dứt hơn hai thập kỷ nội chiến, tranh giành quyền lợi dầu mỏ, sắc tộc, tôn giáo giữa hai miền nam-bắc. Cuộc bầu cử lần này là bước quan trọng tiến tới tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào đầu năm 2011 về việc miền nam Sudan có tách thành một quốc gia độc lập hay không. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đất nước ở khu vực Ðông Phi này khó có thể tổ chức cuộc bầu cử như kế hoạch vì bạo lực vẫn tiếp diễn và tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn trong việc bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng, minh bạch. Cuộc bầu cử này từng được dự kiến diễn ra trước tháng 7-2009 nhưng đã bị hoãn vài lần. Nhiều khu vực không thể tiến hành việc đăng ký bầu cử. Trong khi đó, khoảng 20% vùng đất thuộc miền nam Darfur vẫn nằm dưới sự kiểm soát của cánh quân nổi dậy Quân đội Giải phóng Sudan (SLA). Tại nhiều khu vực hẻo lánh rộng lớn, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ không thể tiếp cận. Người dân Darfur sống ở trại tị nạn đang trong tình trạng thiếu lương thực và các điều kiện thiết yếu. Bạo lực vẫn tiếp diễn khiến việc tổ chức cho người dân đi bầu cử ở khu vực này rất khó khăn và không khả thi. Trong khi đó, các cuộc xung đột mới đây giữa hai miền nam-bắc của Sudan ở khu vực giàu dầu mỏ tranh chấp đang gia tăng, trở thành bóng đen bao phủ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới. Giữa hai miền nam-bắc hiện còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết: xác định đường ranh giới chung, quyền của cộng đồng dân du mục ở khu vực giữa hai miền. Nhiều đảng đối lập yêu cầu điều tra về việc in phiếu bầu bị cáo buộc có khả năng dẫn tới gian lận bầu cử. Một số đảng phái kêu gọi hoãn cuộc bầu cử. Nếu cuộc bầu cử lần này lại bị hoãn có nghĩa là Sudan cũng không thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân như dự kiến, một mấu chốt giải quyết xung đột ở nước này. Những diễn biến nói trên cho thấy con đường dẫn tới hòa bình ở Sudan còn gập ghềnh, khúc khuỷu.
Ý kiến bạn đọc