Những khó khăn tại khu vực đồng tiền chung châu Âu
08:11, 25/02/2010
Ðồng USD đang trên đà lấy lại giá trị, sau nhiều tháng thất thế trên thị trường tiền tệ thế giới.
Trong khi đó, các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) đối mặt thời kỳ khó khăn nhất sau hơn một thập niên đồng tiền này ra đời. Báo chí châu Âu có nhiều bài phân tích rõ, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm bộc lộ những điểm yếu của liên minh tiền tệ này của châu Âu.
Tờ Le Monde số ra đầu tháng 2 cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đang khiến thâm hụt ngân sách ở nhiều nước trong khu vực đồng euro tăng mạnh. Các vấn đề về ngân sách ở Hy Lạp, Ireland... góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm giá của euro so với USD thời gian qua. Báo này nêu rõ, những rối loạn trong khu vực này là nguyên nhân chính giúp đồng USD lên giá và lấy lại quyền kiểm soát các thị trường tiền tệ thế giới. Trong vài tuần gần đây, sự trượt dốc của các tài khoản Chính phủ Hy Lạp (do Athens buộc phải chấp nhận tỷ lệ lãi suất tăng vọt), cùng với những tin đồn về khả năng châu Âu hủy bỏ kế hoạch cứu trợ Hy Lạp, đã reo rắc sự bối rối trong giới đầu tư. Người ta lo ngại, liên minh tiền tệ euro có thể tan rã, nếu cuộc khủng hoảng ngân sách hiện nay ở Hy Lạp không thể ngăn chặn, lây lan sang Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha...
Báo Ðộc lập của Nga cũng nhận định, những khó khăn tại một loạt nền kinh tế châu Âu đang đe dọa sự tồn tại của đồng euro. Tâm lý các nhà đầu tư trong năm ngoái đổ xô mua euro, vì cho rằng đồng USD sắp hết thời thống trị thị trường tiền tệ thế giới, đã thay đổi hẳn sau khi nhiều nước trong khu vực đồng euro phải đối mặt các vấn đề mới phát sinh. Ngân hàng trung ương của nhiều nước đã ngừng mua euro để dự trữ. Xu hướng tỷ giá euro/USD suy giảm có thể tiếp diễn trong hai năm 2010 và 2011.
Do tâm lý lo ngại Hy Lạp, Bồ Ðào Nha và Ireland không trả được nợ, từ cuối tháng 11-2009, đồng euro đã giảm giá 8% so với USD và là đợt sụt giảm mạnh nhất mười tháng qua. Trong 18 tuần liên tiếp sau đó, các nhà đầu tư không chỉ từ chối đầu tư vào các cổ phiếu châu Âu, mà còn rút vốn ra, ước tính khoảng 13 tỷ USD. Tại diễn đàn Davos mới đây, có ý kiến cảnh báo khu vực đồng euro sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ khủng hoảng tại Hy Lạp và Bồ Ðào Nha; và rất có thể châu Âu phải chứng kiến sự sụp đổ của liên minh tiền tệ euro trong khoảng hai năm nữa. Dự kiến, tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ thấp hơn Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; năm nay chỉ đạt khoảng 1,2%, trong khi Nhật Bản là 1,35%, Mỹ 2,7%.
Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo giới phân tích, là một liên minh 16 chính phủ, lại có đồng tiền chung và một ngân hàng trung ương. Vì thế, các cách thức chi tiêu khác nhau của các chính phủ được thống nhất dưới một đồng tiền chung và đồng euro rất dễ suy yếu do các lỗ hổng ngân sách quá lớn ở các chính phủ. Xu hướng giảm giá đồng euro sẽ khó chặn được, nếu các nước trong khu vực đồng tiền chung này không giải quyết được các vấn đề liên quan ngân sách.
Góp phần vào xu hướng giảm giá đồng euro, còn có những tuyên bố và cảnh báo khó khăn của các nhà lãnh đạo châu Âu. Tại diễn đàn Davos, Tổng thống Pháp N.Sarkozy kêu gọi tiến hành một "Hội nghị Bretton Woods mới", thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chủ chốt của thế giới. Thủ tướng Luxembourg đề nghị tăng cường giám sát các nền kinh tế thành viên, thành lập khuôn khổ hành động chung nhằm củng cố kinh tế toàn bộ khu vực đồng euro... Trong khi đó, Thủ tướng Ðức A.Merkel thừa nhận rằng, những năm tới sẽ là thời kỳ khó khăn đối với khu vực. Các nhà lãnh đạo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì không thể đưa ra lập luận xác đáng bác bỏ khả năng sụp đổ đồng euro...
Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng xu hướng giảm giá tạm thời của đồng euro hiện nay chỉ là vấn đề về điều chỉnh kỹ thuật, sau khi tăng giá liên tục so với USD trong suốt năm 2009. Ðồng euro có thể sớm lấy lại đà tăng giá và duy trì trong mười năm tới. Trên thực tế, khủng hoảng ngân sách ở Hy Lạp và Ireland đang dần được giải quyết, sẽ giúp đồng euro phục hồi giá trị so với đồng USD. Vấn đề nợ tại các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu khác so với các nước và khu vực khác, vì thế các nhà đầu tư không nên quá bi quan trước tình hình hiện tại.
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc