Kế hoạch hòa giải mới của Tổng thống Afghanistan

14:25, 20/02/2010

Tổng thống Afghanistan H.Karzai vừa công bố kế hoạch hòa nhập trở lại đời sống xã hội đối với các phiến quân Taliban.


Theo đó, các tay súng chấp nhận từ bỏ vũ khí sẽ được tạo việc làm, được học hành và được bảo vệ. Ông cũng tuyên bố thành lập Hội đồng cấp cao vì hòa bình và hòa giải dân tộc, gồm các quan chức chính phủ cùng các tộc trưởng và lãnh đạo tôn giáo, và mời các thủ lĩnh Taliban tham gia hội đồng này.


Thông qua hội đồng này, kế hoạch hòa bình mới sẽ được gắn vào hệ thống xã hội hiện hành của Afghanistan. Hội đồng sẽ đón nhận các chiến binh Taliban hội nhập trở lại đời sống xã hội, đồng thời giám sát để họ không quay lại cầm vũ khí chống chính quyền.

Tại Hội nghị quốc tế về Afghanistan ở London (Anh) ngày 28-1 vừa qua, các bên liên quan cuộc chiến ở Afghanistan đều hoan nghênh đề xuất hòa bình của ông Karzai. Những khó khăn của các nước phương Tây do suy thoái kinh tế và số binh sĩ nước ngoài thương vong tại chiến trường Nam Á trong năm 2009 tăng vọt, lên mức cao nhất trong tám năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến năm 2001, khiến dư luận tại các nước phương Tây ngày càng tăng sức ép với các chính phủ đòi sớm chấm dứt cuộc chiến này và rút binh sĩ về nước. Chấp nhận thực tế là chỉ có biện pháp quân sự không thể chấm dứt được cuộc chiến, các bên đều ủng hộ một giải pháp chính trị, trong đó có việc thương lượng với Taliban. Tại Hội nghị London, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton thừa nhận "buộc phải can dự với kẻ thù để chấm dứt làn sóng nổi dậy". 

Những bất đồng giữa các bên là Taliban có thể được chấp nhận ở mức độ nào đó. Mỹ và NATO muốn dùng kế hoạch này để chia rẽ Taliban, khiến nhiều phần tử thực dụng trong hàng ngũ thân thủ lĩnh M.Omar sẽ ly khai, qua đó làm suy yếu động lực của Taliban cũng như toàn bộ lực lượng nổi dậy. Ðồng thời, phương Tây đưa binh sĩ bổ sung tới Afghanistan nhằm tạo đà bước vào "đàm phán trên thế mạnh". Quá trình soạn thảo kế hoạch của ông Karzai có sự tham gia của các quan chức quân sự và dân sự cấp cao của Mỹ, nhưng giai đoạn triển khai sẽ chỉ do người Afghanistan thực hiện. Washington phân biệt rõ: "tái hòa nhập" với những phần tử Taliban cấp thấp, tham gia phong trào này vì nghèo đói và thất nghiệp hơn là vì tư tưởng, và "hòa giải" với những thành viên Taliban cao cấp, đi theo đường lối Hồi giáo cực đoan và liên kết với Al-Qaeda. Thông cáo chung của Hội nghị London xác định rõ ba điều kiện cho các phiến quân muốn tham gia kế hoạch hòa bình: Chấp nhận từ bỏ bạo lực, tôn trọng Hiến pháp Afghanistan và cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Lầu năm góc cho rằng, rất khó có thể hòa giải với thủ lĩnh Taliban M.Omar vì nhân vật này đã "nợ rất nhiều máu của người Mỹ" sau việc dung dưỡng Al-Qaeda tiến hành các vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001. Tuy nhiên, Pakistan, đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á, nhấn mạnh, "không có kế hoạch nào thực hiện được nếu thiếu M.Omar".

Tổng thống Afghanistan H.Karzai đã ra lệnh ân xá cho những chiến binh Taliban chấp nhận hạ vũ khí và công khai bày tỏ ý định sẵn sàng thảo luận với M.Omar và các lãnh đạo của Taliban, nhưng các kế hoạch của ông chưa được đáp lại vì không đưa ra được những bảo đảm cho Taliban về an ninh và tài chính. Các quan chức Mỹ tỏ ý hy vọng hơn vào kế hoạch mới với nguồn tài chính cao hơn nhiều so với trước, có thể lên tới một tỷ USD, do Mỹ, Nhật Bản và Anh cùng đóng góp. Bước đầu, tại Hội nghị London, các nhà lãnh đạo quốc tế đã thỏa thuận lập một quỹ quốc tế khoảng 500 triệu USD, sẽ được sử dụng chủ yếu cho chương trình giáo dục, đào tạo và trợ giúp tìm việc làm cho các tay súng Taliban đồng ý hạ vũ khí, một chiến thuật từng được Mỹ áp dụng ở Iraq. Tuy nhiên, một số chuyên gia Afghanistan nhấn mạnh, chính phủ của ông Karzai cần phải diệt trừ nạn tham nhũng, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trước khi nhận tiền tài trợ cho kế hoạch này.

Phiến quân Taliban đã bác bỏ nỗ lực hòa giải mới nhất của Tổng thống Karzai, khẳng định nếu quân đội nước ngoài không trả lại cho người Afghanistan "các quyền tự nhiên" của mình thì phong trào thánh chiến sẽ tiếp tục cho tới khi đạt được mục đích, song cho biết vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhằm đạt được mục tiêu thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Lực lượng này cũng nhắc lại tuyên bố của thủ lĩnh M.Omar cuối năm 2009 rằng, họ không phải là mối đe dọa với phương Tây, chứng tỏ mong muốn cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda. Qua các vụ tiến công ở Kabul vừa qua, Taliban muốn gửi thông điệp tới phương Tây rằng lực lượng này có thể tiến công ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào họ muốn. Trong khi đó, một số nhà phân tích nhận xét, Taliban cũng đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến và cũng nhận thấy khó có thể giành lại quyền lực ở Afghanistan chỉ bằng biện pháp quân sự. Hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của một số nước láng giềng khu vực đối với Taliban, Tổng thống Karzai đã công khai đề nghị A-rập Xê-út và Pakistan làm trung gian hòa giải với lực lượng này.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ðịnh hình chiến lược nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan
Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra ngày 28-1 tại Thủ đô Luân Ðôn của Anh với sự tham gia của đại diện gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, quản lý và phát triển ở Afghanistan, nhằm đưa ra một chiến lược giúp chấm dứt cuộc chiến dai dẳng đã bước sang năm thứ chín ở nước Nam Á này.
30/01/2010
Hội nghị quốc tế về Afghanistan
Theo Reuters, ngày 28-1, tại Luân Ðôn (Anh) diễn ra Hội nghị quốc tế về Afghanistan với sự tham dự các đại biểu từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Hội nghị này, Tổng thống Afghanistan H.Karzai công bố kế hoạch dành cho các thủ lĩnh và chiến binh Taliban nguồn tài chính và việc làm để thuyết phục họ và các nhóm vũ trang khác hạ vũ khí.
29/01/2010
Tổng thống bị phế truất của Honduras lên kế hoạch rời đất nước
Theo Reuters, Tổng thống bị phế truất của Honduras M.Zelaya tuyên bố, sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử P. Lobo, trong ngày 27-1, ông sẽ rời Ðại sứ quán Brasil, nơi ông ở suốt hơn bốn tháng qua để tới sống ở CH Dominica theo lời mời của Tổng thống Dominica L.Fernandez.
28/01/2010
Ðánh bom xe liều chết tại Iraq làm 58 người thiệt mạng
Theo AFP và AP, ngày 26-1, tại Thủ đô Baghdad của Iraq xảy ra vụ đánh bom xe liều chết làm ít nhất 17 người chết và hơn 80 người bị thương.
27/01/2010