Căng thẳng mới giữa Iran và phương Tây

07:44, 23/02/2010

Tình hình Iran và diễn biến căng thẳng trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân đầy nghi ngờ của Iran đang thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế.


Các bên liên quan đưa ra nhiều đề xuất về giải pháp, nhưng chưa có nhận thức và tiếng nói chung về chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Các bên vẫn theo đuổi kế hoạch riêng, khiến dư luận quan ngại sâu sắc.


Căng thẳng mới gia tăng, bầu không khí vùng Vịnh lại nóng lên sau khi Mỹ quyết định lắp đặt thêm hệ thống tên lửa và  tăng cường sự có mặt về quân sự tại các nước gần Iran. Iran cũng công bố một số thành tựu  về công nghệ  hạt nhân nhân dịp  Iran kỷ niệm lần thứ 31 Ngày Cách mạng Hồi giáo. Ðặc biệt, tại buổi lễ kỷ niệm ngày 11-2 tại Quảng trường Azadi  ở Thủ đô Tehran, Tổng thống M.Ahmadinejad tuyên bố Iran đã hoàn tất mẻ urani làm giàu ở cấp độ 20% đầu tiên  để sử dụng làm nhiên liệu cho một lò phản ứng sản xuất chất đồng vị phục vụ y tế. Ông tuyên bố giờ đây Iran đã trở thành một quốc gia hạt nhân. Ngày 16-2, Tổng thống Iran loan báo nước này đang lắp các máy li tâm hiện đại hơn tại cơ sở làm giàu urani chính ở tổ hợp hạt nhân Natanz. Các máy li tâm này vẫn chưa đi vào hoạt động, song chúng hiệu quả gấp năm lần phiên bản máy trước đó. Ðồng thời Iran cũng đã thông báo về thành tựu này lên IAEA và nói rằng, mặc dù vậy, Tehran sẵn sàng ngừng quá trình làm giàu urani ở cấp độ 20%, nếu được cung cấp đủ nhu cầu khối lượng urani đã làm giàu. Trước đó, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (IAEO) Ali Akbar Salehi  đã nói rõ, Iran đã bắt đầu làm giàu urani ở mức 20% tại cơ sở hạt nhân Natanz, dưới sự giám sát của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Iran cũng đã phóng thử thành công tên lửa đẩy vệ tinh và hạ thủy tàu khu trục tự thiết kế và chế tạo. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cấp cao Iran nhiều lần khẳng định rằng, chương trình hạt nhân của mình là phục vụ các mục đích hòa bình, là quyền được tiếp cận công nghệ hạt nhân như nhiều quốc gia khác và Iran sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, bất chấp những đe dọa tiến công quân sự. Iran cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với IAEA và các nước trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, phản ứng của các nước lớn đối với chương trình hạt nhân của Iran có những mức độ khác nhau. Một số nước phương Tây một mực bác bỏ lập luận của Iran và còn cáo buộc rằng, Iran làm giàu urani là để sản xuất vũ khí hạt nhân. Các nước phương Tây gia tăng sức ép và theo đuổi biện pháp "trừng phạt và cấm vận", như chính quyền Mỹ đã và đang áp đặt đối với Iran trong suốt hơn 30 năm nay. Mỹ đứng đầu các nước phương Tây thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Ngày 8-2, Mỹ và Pháp tuyên bố hai nước này sẽ hối thúc LHQ áp đặt biện pháp trừng phạt "cứng rắn" mới đối với Iran. Tuy nhiên, trong chuyến thăm vùng Vịnh giữa tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cho biết, Mỹ không muốn Iran trở thành một cường quốc vũ khí hạt nhân, song Mỹ không có kế hoạch thực hiện bất cứ biện pháp nào khác ngoài việc thúc đẩy trừng phạt và đang cố gắng thay đổi cách ứng xử của Iran. Trung Quốc, ngày 9-2, kêu gọi Iran tiếp tục đàm phán về thỏa thuận chuyển giao nhiên liệu hạt nhân với Iran trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này tăng cường hoạt động làm giàu urani. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan sẽ tăng cường nỗ lực thúc đẩy thương lượng về vấn đề này. Nga kêu gọi Iran cần hợp tác nhiều hơn nữa với IAEA để thuyết phục dư luận thế giới là chương trình hạt nhân của mình là phục vụ các mục đích dân sự. Moscow đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh hơn có thể "làm tê liệt Iran" như một số nước đề xuất.

Sức ép đối với Iran gia tăng sau khi Tổng Giám đốc mới của Cơ quan  IAEA Y. Amano công bố báo cáo nói rằng "có thể Iran đang  bí mật chế tạo đầu đạn hạt nhân". Một "cuộc khẩu chiến" mới lại nổ ra cùng với những đe dọa trừng phạt, cấm vận  lỗi thời đối với Iran. Ðây không phải lần đầu Tehran đối mặt với biện pháp trừng phạt và cấm vận nghiệt ngã phi lý từ một số cường quốc. Như ông Ali Asghar Soltanieh, Ðại sứ Iran tại IAEA, nêu rõ, báo cáo nêu trên của IAEA "là vô căn cứ, giả tạo và vì thế không có giá trị". Trừng phạt đối với Iran hoàn toàn không có tác dụng mà chỉ gây thêm khó khăn cho chính các nước phương Tây.

Dư luận quốc tế nhìn nhận rằng, tình hình Iran và quan hệ  giữa Tehran và các nước phương Tây lúc căng, lúc giảm một phần quan trọng là  do chính sách bá quyền và thái độ cư xử áp đặt của nhà cầm quyền Mỹ, nước đã thực thi chính sách thù địch  đối với Iran từ sau Ngày  Cách mạng Hồi giáo năm 1979 lật đổ chế độ phong kiến thân đế quốc. Ðã đến lúc các bên liên quan cần "xuống thang", tôn trọng lẫn nhau và cùng chấm dứt cảnh đàm phán giữa những người "nhét bông chặt lỗ tai".

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ðịnh hình chiến lược nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan
Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra ngày 28-1 tại Thủ đô Luân Ðôn của Anh với sự tham gia của đại diện gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, quản lý và phát triển ở Afghanistan, nhằm đưa ra một chiến lược giúp chấm dứt cuộc chiến dai dẳng đã bước sang năm thứ chín ở nước Nam Á này.
30/01/2010
Hội nghị quốc tế về Afghanistan
Theo Reuters, ngày 28-1, tại Luân Ðôn (Anh) diễn ra Hội nghị quốc tế về Afghanistan với sự tham dự các đại biểu từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Hội nghị này, Tổng thống Afghanistan H.Karzai công bố kế hoạch dành cho các thủ lĩnh và chiến binh Taliban nguồn tài chính và việc làm để thuyết phục họ và các nhóm vũ trang khác hạ vũ khí.
29/01/2010
Tổng thống bị phế truất của Honduras lên kế hoạch rời đất nước
Theo Reuters, Tổng thống bị phế truất của Honduras M.Zelaya tuyên bố, sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử P. Lobo, trong ngày 27-1, ông sẽ rời Ðại sứ quán Brasil, nơi ông ở suốt hơn bốn tháng qua để tới sống ở CH Dominica theo lời mời của Tổng thống Dominica L.Fernandez.
28/01/2010
Ðánh bom xe liều chết tại Iraq làm 58 người thiệt mạng
Theo AFP và AP, ngày 26-1, tại Thủ đô Baghdad của Iraq xảy ra vụ đánh bom xe liều chết làm ít nhất 17 người chết và hơn 80 người bị thương.
27/01/2010