Năm đầu làm Tổng thống Mỹ: ‘ngôi sao’ Obama đang mờ dần
09:44, 20/01/2010
Tổng thống Barack Obama, biểu tượng của sự "đổi thay", hiện thân của sự đoạn tuyệt với nhiều chính sách của người tiền nhiệm Georges W. Bush đang phải “chạm trán” với thực tế "cay nghiệt" sau năm đầu tại nhiệm
48% người Mỹ cho rằng, Tổng thống Obama thất bại trong năm đầu cầm quyền
365 ngày trôi qua, danh sách những việc muốn làm còn dài và hàng loạt lời hứa từ thời tranh cử ông Obama vẫn chưa hoàn tất.
Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống, ông Obama khiến đám đông “ngây ngất” với những bài phát biểu đầy khát vọng: phản đối cuộc chiến Iraq và cam kết đưa toàn bộ quân Mỹ về nước trong vòng 16 tháng.
Thế nhưng, ngay trong những tháng đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông đã lùi thời hạn rút quân thêm hai tháng, tới tháng 8/2010. Thậm chí, Tổng thống Obama còn để lại 35.000 - 50.000 người tại Iraq tới 2011 để huấn luyện lực lượng an ninh Iraq.
Cùng lúc, ông tiếp tục "lún sâu hơn" vào cuộc chiến thứ 2 ở Afghanistan khi tăng thêm 30.000 binh sĩ tới quốc gia Nam Á này vào giữa năm nay.
Ông Obama chưa hoàn thành nhiều lời hứa.
Về vấn đề chấm dứt các biện pháp tra tấn và đóng cửa nhà tù trên vịnh Guatanamo, ông Obama cũng chưa hoàn thành cam kết bởi nhiều khó khăn: Quốc hội từ chối chi tiền vận chuyển tù nhân Guantanamo tới các nhà tù nội địa Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh không muốn đón những "vị khách" này.
Kết quả là tới nay, dù ông ra lệnh mua một nhà tù ở Illinois có thể chứa tới 100 tù nhân, song nhà tù Guantanamo vẫn chưa thể đóng cửa khi 200 tù nhân còn lại tại đây chưa biết giải quyết thế nào.
Thêm vào đó, từ khi lên cầm quyền, thông điệp mà chính quyền Obama gửi đi khắp thế giới là nước Mỹ giờ đây thay đổi, nước Mỹ sẵn sàng lắng nghe tất cả các nước, bất kể đó là đồng minh, đối tác hay địch thủ.
Tuy nhiên, chính sách "thân thiện" này vẫn không phát huy nhiều tác dụng đối với hai “nhân vật hóc búa nhất” là Iran và Triều Tiên. Và sau một năm triển khai đường lối đối ngoại trên, Tehran chưa chịu dừng chương trình hạt nhân, còn Bình Nhưỡng vẫn từ chối quay lại bàn đàm phán 6 bên.
Iran chưa chịu dừng chương trình hạt nhân.
Về vấn đề đảm bảo an ninh nước Mỹ, Obama từng tuyên bố: "Chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực để xua đi những đe doạ mà Mỹ liên tiếp phải đối mặt từ những tên khủng bố”.
Lời hứa này gần như thành hiện thực nếu tháng trước, tình báo Mỹ không để nghi phạm khủng bố lên máy bay, đe dọa tính mạng của hàng trăm người...
Quá nhiều kỳ vọng
Nhiều người tỏ ra thông cảm, cắt nghĩa sự tụt dốc của Tổng thống Obama là do ông lên cầm quyền trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Bên cạnh đó còn phải tính tới việc ông Obama nhận được sự ủng hộ quá lớn của người Mỹ lên cầm quyền hôm 20/1/2009. Nguyên nhân là do đặt quá nhiều kỳ vọng vào Tổng thống, nhiều người Mỹ nhanh chóng thay đổi thái độ, từ hy vọng sang thất vọng nếu Tổng thống không thực hiện được dù chỉ một trong số những điều mà họ mong muốn.
Ông Tomas Valasek, Giám đốc về Chính sách ngoại giao tại Trung tâm cải tổ châu Âu cũng cho rằng, những kỳ vọng đặt vào Tổng thống Obama quá cao. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đặt quá nhiều hy vọng vào ông ấy. Ngay cả khi ông có thể đi bộ trên mặt nước, ông cũng không thể nào thực hiện được tất cả những gì chúng ta mong đợi trong một sớm một chiều”.
Tổng thống Obama "lu mờ" dần.
Ngoài ra, xét một cách công bằng, nhiều nhà phân tích khẳng định, Tổng thống Obama phải đối mặt với thách thức nhiều hơn so với những người tiền nhiệm của ông khi bắt đầu nhiệm kỳ. Theo một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Brookings, trong khi hầu hết các tân Tổng thống chỉ phải đối mặt với một trong những vấn đề về kinh tế như tình trạng suy thoái, thất nghiệm, lạm phát hoặc thâm hụt thì Tổng thống Obama lại phải đối mặt với tất cả những vấn đề đó cùng lúc.
Bên cạnh đó, thay bằng việc giải quyết lần lượt từng thách thức, ông Obama lại quyết định tìm một giải pháp toàn diện cho mọi vấn đề. Tờ Thời báo New York từng đưa ra nhận định, chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Obama là chương trình tham vọng nhất từ thời chính quyền của Tổng thống Johnson.
Trong bối cảnh phải đối mặt với những vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất trên mọi mặt trận, đáng ra ông Obama phải lựa chọn từng vấn đề để giải quyết dần nhưng ông lại mạo hiểm xông lên cùng lúc trên mọi mặt trận. Khi mà sức lực và tâm trí phải dàn trải ra trên nhiều vấn đề, rõ ràng hiệu quả công việc sẽ không cao. Kết quả tất yếu là việc nào ông cũng động đến nhưng việc nào cũng dang dở, chưa có kết quả.
Cuối cùng, thực tế lịch sử cho thấy, bất kỳ Tổng thống mới nào cũng sẽ có một kỳ trăng mật ngọt ngào trước khi quan hệ của Tổng thống đó với công chúng trở nên xấu đi ít nhiều. Đó dường như là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi. Sau một năm cầm quyền, uy tín của tất cả các Tổng thống Mỹ đều giảm sút và ông Obama không phải ngoại lệ.
Trong khi tranh cử, các ứng cử viên Tổng thống hứa hẹn rất nhiều với người dân vì thế họ ủng hộ ông. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc của một Tổng thống, họ mới thấy rằng việc họ đã hứa không hoàn toàn dễ thực hiện. Tổng thống Obama không phải là trường hợp ngoại lệ. “Sẽ không dễ dàng gì”, đó là câu ông thường nói khi đề ra các nhiệm vụ cho nước Mỹ. Tuy nhiên, người dân Mỹ vẫn còn hy vọng có thể chứng kiến nhiều đổi thay tích cực trong 365 ngày tiếp theo của vị Tổng thống thứ 44 này.
Ông Obama "thừa hưởng" nền kinh tế đang trong tình trạng tụt dốc không phanh từ người tiền nhiệm. Gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD mà chính quyền của ông đề xuất được thông qua hồi đầu năm 2009 tạo ra hơn một triệu việc làm.
Trong quý III năm 2009, GDP của Mỹ tăng 2,8%, đánh dấu việc lần tăng đầu tiên trong hơn hai năm qua và là lần tăng cao nhất trong ba năm qua của nền kinh tế số 1 thế giới này.
dat viet
Ý kiến bạn đọc