Ðịnh hình chiến lược nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan

07:42, 30/01/2010

Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra ngày 28-1 tại Thủ đô Luân Ðôn của Anh với sự tham gia của đại diện gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, quản lý và phát triển ở Afghanistan, nhằm đưa ra một chiến lược giúp chấm dứt cuộc chiến dai dẳng đã bước sang năm thứ chín ở nước Nam Á này.


Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về thời gian biểu cho việc chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các lực lượng Afghanistan, đồng thời ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai "tái hòa nhập" các phần tử Taliban quy hàng.

Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra trong bối cảnh con số thương vong của liên quân Mỹ và NATO đang tăng cao, nhiều khó khăn trong nước do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tại Mỹ và các nước phương Tây khiến dư luận ngay tại các nước này ngày càng chán ghét cuộc chiến ở Afghanistan, đòi nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này và rút quân về nước. Trong quyết định bổ sung 30.000 binh sĩ tới Afghanistan công bố tháng 12-2009, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng hứa sẽ bắt đầu rút quân từ tháng 7-2011.

Theo thông cáo chung  của hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã thống nhất rằng, bước đầu sẽ chuyển giao trách nhiệm an ninh cho lực lượng Afghanistan ở những tỉnh bình yên hơn của nước này vào "cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011", và sau đó Quân đội Quốc gia Afghanistan sẽ thực thi phần lớn các chiến dịch ở những khu vực bất ổn trong vòng ba năm tới với lực lượng nước ngoài chỉ giữ vai trò hỗ trợ. Thủ tướng Anh G.Brown nhấn   mạnh,   năm   2010  sẽ quyết định thành bại đối với cuộc chiến Afghanistan và phải đảo  chiều  làn  sóng  nổi dậy ở Afghanistan trước giữa năm 2011.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ðức Angela Merkel cho rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu đưa ra thời hạn cụ thể cho việc rút quân. Còn Tổng thống Afghanistan H.Karzai nêu rõ việc xây dựng lực lượng quân đội và cảnh sát Afghanistan đủ mạnh để đảm đương an ninh cần sự ủng hộ của nước ngoài trong ít nhất mười năm nữa.

Hội nghị Luân Ðôn cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của tất cả các bên liên quan trong vấn đề tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Afghanistan. Ðó là sự ủng hộ chung cho một giải pháp chính trị, trong đó nhấn mạnh việc thương lượng với Taliban.

Mặc dù số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan trong năm nay sẽ được tăng lên khoảng 100 nghìn, gấp ba lần so với thời điểm khi Tổng thống Obama bắt đầu nắm quyền đầu năm 2009, nhưng làn sóng bạo lực do Taliban gây ra gia tăng trong năm qua làm số binh sĩ Mỹ chết trong năm 2009 gấp đôi năm 2008, và Washington đã phải chấp nhận thực tế là chỉ có sức mạnh quân sự không thể chấm dứt được cuộc chiến. Một tuần trước Hội nghị Luân Ðôn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton đã thông báo một chiến lược phi quân sự dài hạn nhằm bình ổn Afghanistan. Ðầu năm 2009, Tổng thống Obama còn loại bỏ khả năng đối thoại với các thủ lĩnh Taliban. Tuy nhiên, những khó khăn bên trong nước Mỹ và thực tế tại chiến trường Nam Á khiến Tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan M.Chrystal ngay trước thềm hội nghị cho biết, ông chỉ "hy vọng 30.000 binh sĩ bổ sung sẽ làm yếu Taliban đủ để họ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình". 

Tại Hội nghị Luân Ðôn, Tổng thống Afghanistan Karzai đã đề xuất thành lập một hội đồng quốc gia về hòa bình, hòa giải và tái hội nhập và mời lãnh đạo Taliban tham gia hội đồng này. Thông cáo chung của hội nghị nhấn mạnh các nước hoan nghênh đề xuất này của ông Karzai. Thông cáo chung cũng cho biết, các nhà lãnh đạo đã cam kết huy động tài chính cho kế hoạch của Chính phủ Afghanistan thuyết phục các chiến binh Taliban từ bỏ bạo lực, với việc lập một quỹ quốc tế có thể lên tới 500 triệu USD. Một số chính phủ, trong đó có Nhật Bản, đã cam kết sẽ tài trợ 140 triệu USD cho quỹ này.

Một ngày trước khi diễn ra hội nghị, phiến quân Taliban ra tuyên bố phản đối hội nghị, cho rằng sự kiện đó sẽ chỉ "lãng phí thời gian", kế hoạch chiêu hàng Taliban chỉ là "trò lừa bịp" của chính quyền Ca-bun, và giải pháp duy nhất cho cuộc chiến ở Afghanistan là phương Tây phải rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, Ðại diện LHQ tại Afghanistan Kai Eide đã gặp các thành viên tích cực của lực lượng Taliban ở Dubai trong tháng này để "thảo luận về các cuộc đàm phán". Một số nhà phân tích nhận xét, Taliban cũng đã quá mệt mỏi vì chiến tranh và cũng nhận thấy khó có thể giành lại quyền lực ở Afghanistan chỉ bằng biện pháp quân sự.

Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị cũng hoan nghênh cam kết của Tổng thống Afghanistan loại trừ nạn tham nhũng và khẳng định một hội nghị cấp cao diễn ra tại Kabul (Afghanistan) vào cuối năm nay sẽ đưa ra những kế hoạch cụ thể hơn để củng cố chính phủ ở Afghanistan.

Phương Tây đang rất cần thực hiện thành công chiến lược mới ở Afghanistan vì nếu thất bại họ sẽ phải trả giá đắt: hoặc giữ lại số lượng quân lớn ở Afghanistan để tiếp tục một cuộc xung đột hao người tốn của ngày càng không được lòng dân cả ở Afghanistan và trong nước; hoặc chỉ giữ lại lực lượng đủ hậu thuẫn một chính phủ yếu và để mặc nội chiến hoành hành ở Afghanistan. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược mới gặp nhiều khó khăn, do những bất đồng ngay trong nội bộ các nước NATO và mâu thuẫn giữa phương Tây với chính phủ của ông Karzai. Mạng dự báo chiến lược Stratfor (Mỹ) nhận định, còn quá sớm để nói đến một giải pháp cho cuộc chiến ở Afghanistan trong bối cảnh phức tạp đầy rẫy sự cạnh tranh và toan tính chính trị xung đột nhau ở nước này.

Dư luận cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục cam kết hỗ trợ Afghanistan, giúp chính phủ mới có đủ năng lực lãnh đạo đất nước, khôi phục ổn định, phát triển, ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ thường dân và cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân Afghanistan; sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế phải nhằm mục đích giúp Chính phủ và nhân dân Afghanistan có đủ năng lực đảm đương mọi trách nhiệm, công việc của một đất nước có chủ quyền.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Từ ngày 1-1-2010, trường học không còn khói thuốc
Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa gửi công văn tới các cơ sở giáo dục - đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp yêu cầu từ ngày 1-1-2010, nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nơi làm việc trong nhà tại các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục. Hoạt động trên nhằm thực hiện kế hoạch của Chính phủ về thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
31/12/2009
Hội nghị quốc tế về Afghanistan
Theo Reuters, ngày 28-1, tại Luân Ðôn (Anh) diễn ra Hội nghị quốc tế về Afghanistan với sự tham dự các đại biểu từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Hội nghị này, Tổng thống Afghanistan H.Karzai công bố kế hoạch dành cho các thủ lĩnh và chiến binh Taliban nguồn tài chính và việc làm để thuyết phục họ và các nhóm vũ trang khác hạ vũ khí.
29/01/2010
Nhiều nước siết chặt kiểm tra an ninh sân bay
Theo các nguồn tin nước ngoài, ngay sau khi xảy ra âm mưu cho nổ chiếc máy bay chở khách của Hãng hàng không Mỹ Northwest Airlines, từ ngày 27-12, nhà cầm quyền Mỹ đã ban hành thêm những biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hành khách đi máy bay.
28/12/2009
Tổng thống bị phế truất của Honduras lên kế hoạch rời đất nước
Theo Reuters, Tổng thống bị phế truất của Honduras M.Zelaya tuyên bố, sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử P. Lobo, trong ngày 27-1, ông sẽ rời Ðại sứ quán Brasil, nơi ông ở suốt hơn bốn tháng qua để tới sống ở CH Dominica theo lời mời của Tổng thống Dominica L.Fernandez.
28/01/2010