Philippines nỗ lực ổn định tình hình sau vụ thảm sát
Ðặt tỉnh Maguindanao trong tình trạng thiết quân luật, bắt giữ 529 người, thẩm vấn 250 nghi can và cách chức hàng loạt quan chức địa phương liên quan vụ thảm sát đẫm máu ngày 23-11 vừa qua... là những biện pháp mạnh Chính quyền Manila áp dụng nhằm ổn định lại tình hình khu vực bất ổn ở miền nam đất nước, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử mới.
Nhà chức trách Manila lập tức tiến hành hàng loạt biện pháp mạnh, trong đó lần đầu trong 28 năm qua, Tổng thống Gloria Arroyo áp đặt lệnh thiết quân luật tại Maguindanao nhằm trấn áp các cuộc nổi dậy và bảo vệ dân thường. Quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ nhận được các báo cáo cho biết, nhiều nhóm vũ trang đang tập trung trong khu vực để chuẩn bị phát động một cuộc tiến công lớn sau vụ thảm sát nói trên. Quân đội Philippines đã thực hiện lệnh bắt Tỉnh trưởng Maguindanao Andan Ampatuan cùng con trai ông này là Thị trưởng Datu Unsay Dandi Ampatuan. Phó Tỉnh trưởng Maguindanao là Armas Ampatuan, thành viên gia đình Ampatuan, cũng bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện vũ khí cất trong nhà y. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng và quyền Tham mưu trưởng quân đội Philippines được điều động đến Maguindanao để giám sát hoạt động truy bắt thủ phạm. Chính phủ Philippines thông báo sẽ thay toàn bộ 1.092 cảnh sát ở ba thị trấn thuộc tỉnh Maguindanao. Một ủy ban độc lập mới được thành lập nhằm giám sát việc giải giáp các lực lượng vũ trang riêng của gia đình Ampatuan (xuất hiện từ năm 2001 và đến nay vẫn là mối đe dọa lớn đối với tỉnh Maguindanao). Quân đội tiến hành truy bắt hơn 3.000 tay súng trung thành với gia tộc Ampatuan đang ẩn náu để chuẩn bị thực hiện các hoạt động chống Chính phủ. Ðến nay, tình trạng thiết quân luật đã được dỡ bỏ tại tỉnh Maguindanao, tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn được áp đặt tại tỉnh này với khoảng 4.000 binh sĩ được duy trì nhằm bảo đảm luật pháp và trật tự.
Tỉnh Maguindanao là một phần của đảo Mindanao, miền nam Philippines, được thành lập theo một thỏa thuận hòa bình ký năm 1996 giữa Chính phủ Philippines và các tay súng Hồi giáo ly khai. Tại khu vực này, các phe cánh Hồi giáo nắm quyền điều hành và có lực lượng vũ trang riêng, thường nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ. Dư luận cho rằng, vụ thảm sát ngày 23-11 liên quan cuộc bầu cử địa phương vào năm tới, trong đó, ông E.Mangudadatu tranh cử chức Tỉnh trưởng tỉnh Maguindanao bị xem là "cái gai" đối với gia đình Ampatuan thống trị tỉnh này. Do Ampatuan cha đã chuẩn bị cho con trai lên kế nhiệm chức Tỉnh trưởng Maguindanao, nên trước khi xảy ra vụ thảm sát, ông E.Mangudadatu bị đe dọa "chặt ra từng mảnh nếu cố tình thách thức quyền thống trị của gia đình Ampatuan". Bộ trưởng Tư pháp Philippines Agnes Devanadera khẳng định, có bằng chứng cho thấy Dandi Ampatuan chính là người ra lệnh và là một trong những người chặn đoàn xe rồi sát hại các nạn nhân. Dự kiến, sẽ có mười nhân chứng là những người may mắn sống sót trong vụ thảm sát ra làm chứng trước tòa về việc họ đã nhìn thấy Dandi Ampatuan dẫn đầu nhóm người có vũ trang, trong đó có cả cảnh sát, chặn đoàn xe của gia đình ông E.Mangudadatu. Người phát ngôn của Tổng thống nhấn mạnh, đây không đơn giản là sự thù hận giữa các phe phái kình địch, mà là một hành động cực kỳ phi nhân đạo, hủy hoại hình ảnh đất nước Philippines.
Trong khi các biện pháp an ninh cần thiết tiếp tục được tiến hành ở miền nam Philippines, các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và các tay súng Hồi giáo trung thành với gia tộc Ampatuan vẫn chưa dứt. Tại tỉnh Basilan, nhà chức trách kêu gọi Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp và Chính phủ điều động khoảng 2.000 binh sĩ để duy trì an ninh tại tỉnh này sau khi 31 tù nhân, trong đó có nhiều tay súng Hồi giáo Abu Sayyaf trốn khỏi một nhà tù và tiến hành nhiều hoạt động khủng bố. Tại đảo Mindanao cũng xảy ra vụ bắt cóc 75 con tin tại một trường tiểu học. Các chuyên gia phân tích cho rằng, bạo lực có thể tiếp diễn từ nay cho đến khi cuộc bầu cử QH Philippines được tổ chức vào tháng 5-2010.
Ý kiến bạn đọc