Xung đột ác liệt ở Yemen

07:53, 21/10/2009

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng nổi dậy ở miền bắc Yemen và quân đội chính phủ diễn ra ác liệt trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua, làm hàng nghìn người chạy tị nạn về khu vực biên giới giáp A-rập Xê-út khiến quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới lo ngại bạo lực và bất ổn ở nước láng giềng Yemen đe dọa an ninh quốc gia cũng là cơ hội thuận lợi để mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tăng cường hoạt động ở khu vực "rốn dầu" thế giới này.


Lực lượng nổi dậy ở khu vực Xa-a-đa, phía bắc Yemen, giáp A-rập Xê-út bắt đầu các cuộc tiến công chống chính phủ từ năm 2004. Họ là những người Hồi giáo dòng Si-ít bất mãn với chính sách kinh tế và tôn giáo của chính phủ đương nhiệm. Lực lượng này muốn khôi phục chế độ cai trị của giới giáo sĩ Dai-đi dòng Si-ít đã bị lật đổ năm 1962. Dai-đi là sắc tộc thiểu số ở Yemen, đất nước 23 triệu dân với số đông là người Hồi giáo dòng Xun-nít. Người sắc tộc Dai-đi sống tập trung ở miền bắc. Năm 2007, thủ lĩnh của lực lượng này là Hu-thi đã chấp nhận một hiệp ước hòa bình với chính phủ, dưới sự hòa giải của Ca-ta. Tuy nhiên, từ tháng 7 năm nay, xung đột giữa lực lượng này với quân đội chính phủ  leo thang dữ dội. Từ ngày 11-8 vừa qua, quân đội Yemen đã tiến hành chiến dịch quân sự "Tiêu thổ" truy quét quân nổi dậy sắc tộc Dai-đi, tiêu diệt hàng trăm tay súng. Ngày 8-10, các tay súng nổi dậy đã thâm nhập một số vùng ở tỉnh Xa-đa, tiến công quân đội chính phủ và dân thường. Các lực lượng an ninh Yemen đã đánh trả, phá hủy nhiều vũ khí và trang thiết bị của quân nổi dậy, tiêu diệt hơn 100 tay súng và làm hàng trăm tên khác bị thương. Quân nổi dậy cũng tiến công một đoàn xe cứu trợ của LHQ đến tỉnh miền bắc Giao, khi đoàn xe này đang đưa đồ cứu trợ cho khoảng 400 người tị nạn. Riêng trong tuần giữa tháng 10, hơn 300 tay súng đã bị tiêu diệt và hàng trăm tên khác bị thương, bị bắt và đầu hàng. Theo thống kê của LHQ, các cuộc giao tranh giữa quân đội với lực lượng nổi dậy ở miền bắc Yemen từ năm 2004 đến nay đã làm hàng nghìn người chết và khoảng 150 nghìn người phải chạy tị nạn. Ngày 11-10 vừa qua, LHQ đã giám sát việc lần đầu đưa từ A-rập Xê-út lều bạt và các nhu yếu phẩm đến khu vực biên giới Yemen để cứu trợ hơn 300 người tị nạn do các cuộc xung đột mới đây, khi hàng nghìn người chạy nạn về phía biên giới giáp A-rập Xê-út.

Trong khi đó, bạo lực lại nổi lên ở miền nam Yemen kể từ sau ngày 28-4 năm nay, khi lực lượng đối lập biểu tình kỷ niệm cuộc nội chiến năm 1994 mà lực lượng đòi ly khai ở miền nam đã bị quân đội của Tổng thống Saleh đánh bại. Người dân miền nam, nơi sở hữu hầu hết các giếng dầu của Yemen đã cáo buộc chính phủ lợi dụng hiệp định thống nhất để khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ và phân biệt đối xử với họ. Các cuộc biểu tình phản đối đã biến thành các vụ bạo lực và xung đột từ năm 2007 đến nay. Yemen là quốc gia nghèo nhất thế giới A-rập. Dầu mỏ chiếm 70 đến 75% thu nhập công và hơn 90% thu nhập từ xuất khẩu, với sản lượng khai thác trung bình hiện nay 287 nghìn thùng/ngày, giảm từ mức 300 nghìn thùng/ngày của năm ngoái. Trong bảy  tháng đầu năm nay, thu nhập từ dầu mỏ giảm còn 803 triệu USD từ mức 3,12 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, do giá dầu thấp hơn và sản lượng khai thác của  nhà nước giảm. Tình hình này gây khó khăn cho chính phủ của Tổng thống A.Abdullah Saleh khi vừa phải đối mặt các vấn đề: đói nghèo gia tăng, dân số tăng nhanh, nguồn nước cạn kiệt  và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nằm ở phía nam bán đảo A-rập Xê-út, giáp Biển Ðỏ, biển A-rập và vịnh A-đen, Yemen có vị trí địa - chính trị quan trọng. Các nguồn tin phương Tây cho rằng, Al-Qaeda đang hoạt động mạnh ở Yemen, "quê hương" của trùm khủng bố O.bin Laden. Bị sức ép mạnh mẽ từ A-rập Xê-út và Iraq, các nhóm khủng bố đã sử dụng khu vực đồi núi của Yemen như một căn cứ mới để có thể thực hiện các cuộc tiến công từ cửa ngõ Biển Ðỏ đến kênh đào Xuy-ê, cũng như tổ chức các hoạt động nhằm vào A-rập Xê-út và vùng Vịnh. Tình hình an ninh ở Yemen gây lo ngại cho quốc gia láng giềng giàu dầu mỏ A-rập Xê-út. Ðất nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này lo ngại tình hình bất ổn ở Yemen sẽ là mảnh đất mầu mỡ "nuôi dưỡng" mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, khiến nỗ lực chống khủng bố cũng như việc bảo vệ các đường biển quốc tế khỏi cướp biển từ vịnh A-đen gặp khó khăn. Theo các nhà phân tích, nếu tình hình an ninh ở Yemen không được cải thiện, quốc gia này có thể trở thành "một Afghanistan" của khu vực Trung Ðông.


Nhan dan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Iran sẽ mở cửa nhà máy làm giàu uranium mới với IAEA
Hôm qua, giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Iran, Ali Akbar Salehi tuyên bố Iran sẽ thông báo sớm với các thanh sát viên hạt nhân của LHQ về thời gian biểu thanh sát nhà máy làm giàu uranium mới công khai của nước này.
30/09/2009
Tình hình căng thẳng tại Honduras
Theo Tân Hoa xã, ngày 28-9, năm thành viên Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã bị Chính phủ tiếm quyền Honduras bắt giữ, ngay khi tới Thủ đô Tegucigalpa.
29/09/2009
Iran cáo buộc Pakistan dính líu đến vụ tấn công làm một số tướng lĩnh IRGC thiệt mạng
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã cáo buộc các điệp viên của Pakistan có dính líu đến vụ đánh bom liều chết nhằm một nhóm các tướng lĩnh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ở huyện Pishin, tỉnh Sistan-Baluchistan, phía đông-nam của Iran, gần biên giới Pakistan, sáng hôm qua.
20/10/2009
Pa-ki-xtan bắt đầu cuộc tấn công tổng lực chống Ta-li-ban
Hơn 30.000 lính tinh nhuệ Pa-ki-xtan hôm 17-10 đã bắt đầu chiến dịch trên không và trên bộ nhằm vào Al Qaeda và dinh lũy chính của Ta-li-ban ở vùng núi rộng lớn Nam Oa-di-ri-xtan dọc biên giới Áp-ga-ni-xtan.
19/10/2009