Quan hệ Mỹ- châu Âu: Nguy cơ tan vỡ
Quan hệ Mỹ và Châu Âu nồng ấm hẳn lên ngay sau khi Tổng thống Barack Obama chính thức nhậm chức cuối tháng 1 vừa qua.
Quan hệ Mỹ - Châu Âu đang có nguy cơ tan vỡ khi bất đồng liên tục nảy sinh từ các vấn đề mang tính chiến lược, kinh tế đến khí hậu, môi trường. Nếu điều cảnh báo đó trở thành hiện thực, Mỹ sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, bởi Châu Âu mới là lực lượng quyết định trong những vấn đề quốc tế quan trọng.
Quan hệ Mỹ và Châu Âu nồng ấm hẳn lên ngay sau khi Tổng thống Barack Obama chính thức nhậm chức cuối tháng 1 vừa qua. Nhưng, thời kỳ đó quá ngắn, sự rạn nứt giữa hai bên đang ngày càng rõ.
Chỉ chưa đầy ba tháng ông Obama đảm nhiệm người đứng đầu Nhà Trắng, ngay tại Hội nghị cấp cao G-20 (gồm các nước công nghiệp phát triển và các quốc gia đang có nền kinh tế phát triển mạnh) diễn ra ở London tháng 4 vừa qua, bất đồng đã nảy sinh giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Trong khi Washington coi giải pháp để thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu là các đòn bẩy kích thích kinh tế, Châu Âu, đặc biệt là những nước đóng vai trò lãnh đạo châu lục này là: đức, Pháp, Italy, lại nhấn mạnh tới sự cần thiết phải điều tiết lĩnh vực tài chính và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngay sau đó, tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu tổ chức ở New York ngày 22/9 vừa qua, Mỹ vẫn khăng khăng không giảm lượng khí thải trong khi Washington là một trong những quốc gia thải nhiều khí thải nhất, đã làm nản lòng Liên minh Châu Âu và ngay cả LHQ. Các chuyên gia về môi trường của Châu Âu cho rằng, khoảng cách giữa Châu Âu và Mỹ quá lớn.
Khi Nhà Trắng hành xử như vậy, khó có thể hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Dự luật về biến đổi khí hậu trước khi Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ diễn ra tại Copenhaghen vào tháng 12 tới.
Cho dù Dự luật về biến đổi khí hậu có được Quốc hội Mỹ thông qua, chắc chắn, cũng không đáp ứng được những mục tiêu mà Châu Âu và LHQ đề ra.
Ngay cả trong vấn đề Afghanistan cũng bộc lộ những mâu thuẫn lớn giữa Châu Âu và Mỹ.
Tại Hội nghị hai ngày (26-27/10/2009) của ngoại trưởng các nước Châu Âu ở Brussels (Bỉ), Tuyên bố của Liên minh Châu Âu khẳng định, tình hình tại quốc gia Hồi giáo Nam Á này đang xuống cấp nghiêm trọng.
An ninh bất ổn, cải tổ chính trị, điều hành và xây dựng nhà nước diễn ra quá chậm chạp, thậm chí không tồn tại ở một số khu vực. Theo các nhà phân tích quốc tế, tuyên bố này dường như nhằm chuẩn bị cho Châu Âu tìm cách rút lại những cam kết tài trợ cho Afghanistan.
Trong khi đó, vấn đề mà Mỹ đang dốc lòng hướng tới là giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng Nga, vẫn được coi là một phần của Châu Âu, lại không sẵn sàng theo ý Mỹ, tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt Teheran.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin khẳng định: “Nói tới trừng phạt Iran lúc này là chưa chín muồi”. Ngay cả Anh, nước đồng minh thân thiết của Mỹ, cũng im lặng trước sự thúc giục của Mỹ phải trừng phạt mạnh hơn đối với Iran. Nga và Anh, hai nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng toàn cầu, đã phản đối thì nhiệm vụ giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran đối với Mỹ là quá gian nan.
Điều đó cho thấy sự hợp tác của Châu Âu là rất quan trọng. Họ mới là lực lượng quyết định. Đây là điều mà từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Mỹ cũng đã nhận thấy.
Cố Tổng thống Mỹ Jonh F.Kennedy nhân quốc khánh Mỹ (4/7/1962) đã nói rằng: “Mỹ không thể đảm bảo sự yên bình trong nước hay đảm bảo an ninh chung, nếu chỉ hành động một mình. Mỹ phải tìm kiếm đối tác. Và đối tác đó chính là Châu Âu”.
Giờ đây, hơn lúc nào hết Tổng thống Obama đang hy vọng, Chủ tịch mới của Liên minh Châu Âu nhiệm kỳ năm 2010 sẽ là nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair, đồng minh thân thiết của Mỹ, để có thể cải thiện quan hệ với Châu Âu.
Nhưng đối với 27 thành viên của Liên minh Châu Âu, ông T.Blair chưa phải là ứng cử viên sáng giá nhất, bởi vai trò của ông trong cuộc chiến Iraq và Anh lại là quốc gia không sử dụng đồng tiền chung Euro. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu người đứng đầu Nhà Trắng lại chỉ kỳ vọng vào một tân chủ tịch Liên minh Châu Âu để làm nồng ấm trở lại quan hệ với Châu Âu. Mấu chốt chính là Washington phải coi Châu Âu là một đối tác thật sự trong chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ.
Làm được điều này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ. Hội nghị cấp cao Mỹ - Châu Âu vào tuần tới tại Washington, sẽ là cơ hội không thể tốt hơn, để chính quyền của Tổng thống Obama chuyển thông điệp đó tới Châu Âu, nhằm đưa quan hệ Mỹ - Châu Âu trở lại quĩ đạo phát triển tốt đẹp./.
Ý kiến bạn đọc