Hiểm họa hạt nhân ở Pakistan
Giới phân tích đang tranh cãi về mức độ bảo đảm an ninh kho vũ khí hạt nhân tại Pakistan. Một số người cho rằng chúng kém an ninh hơn so với 5 năm trước đây, và vụ tấn công tổng hành dinh quân đội ở Rawalpindi hôm 10.10 cho thấy sự chủ quan thái quá của người Pakistan. Theo các chuyên gia, mức độ an ninh của kho vũ khí hạt nhân Pakistan phần nhiều tùy thuộc vào quân đội và nguy cơ các tay súng cực đoan xâm nhập quân đội nước này. Số liệu của Mỹ cho thấy Pakistan có khoảng 70-90 đầu đạn hạt nhân, theo AP.
Gareth Price, Chủ nhiệm chương trình châu Á của tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh), cho rằng không thể có chuyện Taliban bất ngờ tấn công và kiểm soát các cơ sở hạt nhân của Pakistan do “có những cơ chế chỉ huy và kiểm soát” được vận dụng để ngăn chặn điều đó, hãng tin AP cho hay. An ninh tại các cơ sở hạt nhân biệt lập của Pakistan được cho là cao hơn nhiều so với tại tổng hành dinh quân đội, vốn được xem là tương đối “thoáng” so với tiêu chuẩn của các nước khác. Mỗi ngày có hàng ngàn người và xe vào trụ sở ở Rawalpindi, và 10 kẻ tấn công hôm 10.10, dù có thể bắt hàng chục người làm con tin và giết 14 người trước khi lực lượng đặc nhiệm ra tay chấm dứt cuộc khủng hoảng, đã không vào đến khu vực trung tâm tổng hành dinh.
Theo ông Shaun Gregory, chuyên gia về an ninh của Pakistan tại Đại học Bradford (Anh), Pakistan dùng lực lượng vũ trang tinh nhuệ bảo vệ cơ sở hạt nhân, và nước này cất giữ riêng đầu đạn với kíp nổ. Các bộ phận trên được cất giữ ở những địa điểm dưới lòng đất. Đầu đạn được khóa bằng phương pháp điện tử nhằm bảo đảm chúng không thể được kích nổ nếu lọt vào tay khủng bố. Quân đội Pakistan kiểm tra nghiêm ngặt nhân viên bảo vệ đầu đạn, sử dụng chủ yếu người Punjab vốn có ít liên hệ với các tay súng cực đoan hoặc với khu vực Pashtun của Pakistan, nơi Taliban được ủng hộ. Không quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân nào được thực hiện bởi chỉ một người.
Quân đội Pakistan vẫn rất tự tin về khả năng bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của mình. Hôm 12.10, phát ngôn viên quân đội Pakistan, thiếu tướng Athar Abbas, nói hệ thống an ninh “không thể mắc sai lầm” và “không có lỗ hổng”. Hôm 11.10, tức một ngày sau vụ tấn công ở Rawalpindi, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng bác bỏ khả năng các tay súng Hồi giáo có thể lật đổ Chính phủ Pakistan và giành quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Anh David Miliband tuyên bố “không có bằng chứng” cho thấy các cơ sở hạt nhân của Pakistan bị đe dọa.
Tuy nhiên, trong e-mail gửi cho hãng AP, chuyên gia Gregory cho biết ông không chia sẻ quan điểm với ông Miliband và khẳng định “có nhiều bằng chứng” về hiểm họa đối với vũ khí hạt nhân Pakistan. Theo ông, không thể loại trừ khả năng những người được giao chịu trách nhiệm bảo vệ vũ khí hạt nhân cấu kết với các tay súng. Trong khi đó, theo ông Gerald Steinberg, giáo sư chính trị học thuộc Đại học Bar Ilan (Israel), kho vũ khí hạt nhân Pakistan nay “kém an ninh hơn” so với thời Tổng thống Pervez Musharraf, và rằng người Israel đã bớt tin tưởng vào khả năng của Mỹ kiểm soát tình hình và bảo vệ kho vũ khí hạt nhân tại quốc gia Nam Á.
Ý kiến bạn đọc