Thái-lan đối phó nguy cơ rối loạn trật tự và xã hội
Chính phủ Thái-lan đã thông qua đề nghị áp dụng Luật An ninh nội địa (ISA) tại quận Dusit ở Thủ đô Băng-cốc từ ngày 29-8 đến ngày 1-9 để bảo đảm an ninh, trật tự trong thời gian lực lượng "áo đỏ" do Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) lãnh đạo dự định tổ chức cuộc biểu tình chống chính phủ vào ngày hôm nay (30-8) và có tin cảnh báo rằng lực lượng này có khả năng kéo dài thời gian biểu tình, đồng thời một số nhóm có ý đồ kích động bạo lực và gây rối loạn để lật đổ chính phủ.
Sau một loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn, trong đó có cuộc biểu tình ngày 17-8 với sự tham dự của khoảng 30.000 người từ các tỉnh miền bắc, đông - bắc và miền trung Thái-lan tại Xạ-nám Luống, UDD đã trình lên văn phòng Hoàng gia đơn xin ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự cuối năm 2006 và hiện sống lưu vong, khi thu thập được ít nhất năm triệu chữ ký ủng hộ. Theo kế hoạch, UDD sẽ tổ chức biểu tình lớn vào ngày 30-8 tại quảng trường Hoàng gia. Tuy nhiên, UDD phải hủy kế hoạch này do Chính phủ ban hành ISA. Họ dự kiến sẽ tiến hành biểu tình vào ngày 5-9 tới sau khi luật trên hết hiệu lực và cho biết tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình cho đến ngày 19-9. Ông Nattawut Sai-kua, một thủ lĩnh chủ chốt của UDD, cho biết lực lượng này sẽ tiến hành chiến dịch thu thập mười triệu chữ ký yêu cầu luận tội Thủ tướng Abhisit về việc thiếu năng lực điều hành và giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái-lan A.Vejjajiva nói rằng, Chính phủ sẽ bác đơn xin ân xá nói trên và nhấn mạnh, chỉ ông Thaksin hoặc gia đình ông ta mới được phép đệ trình đơn xin ân xá. Bộ Tư pháp Thái-lan cũng khẳng định, việc thu thập chữ ký này là bất hợp pháp vì ông Thaksin chưa thụ án đã tuyên trước đó. Chung quanh chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin cũng có nhiều luồng dư luận trái chiều nhau ở Thái-lan. Trong một phản ứng khá bất ngờ, mới đây, cựu Thủ tướng X. Khơ-ra-pray-chuôn đã phản đối chiến dịch nói trên. Theo báo Dân tộc (Thái-lan), tuyên bố của ông Khơ-ra-pray-chuôn đã làm nghiêng lệch cân bằng quyền lực giữa những người "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và phe "áo xanh" do Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng P.Wongsuwon và Tư lệnh Lục quân Thái-lan A. Paojinda lãnh đạo. Lực lượng cảnh sát dường như "nghiêng" về phe "áo đỏ", trong lúc khoảng một nửa lực lượng quân sự hậu thuẫn "áo xanh". Tại Hạ viện Thái-lan, trừ các nghị sĩ đảng Dân chủ, hầu hết các nhà chính trị của nước này đều ủng hộ hoặc phe "áo đỏ" hoặc phe "áo xanh". Văn phòng thư ký Hoàng gia Thái-lan cho biết, Hoàng gia sẽ yêu cầu chính phủ xem xét đơn xin ân xá cho cựu Thủ tướng Thaksin và trình kiến nghị chính thức lên Hoàng gia về vấn đề này. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ch.Chan-vê-ra-cun tuyên bố, Chính phủ cũng đã thu thập được hơn mười triệu chữ ký phản đối ân xá cho ông Thaksin. Trong lúc này, việc Chính phủ áp dụng ISA cũng vấp phải ý kiến phản đối và lo ngại từ nhiều phía. Trong đó, một số ý kiến nhấn mạnh chỉ nên áp dụng ISA khi xảy ra tình trạng bạo lực, nếu không sẽ ảnh hưởng các nỗ lực cải thiện hình ảnh đất nước. Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, bà Pon-thịp Gia-la cho rằng, việc thực thi các biện pháp an ninh cao nhất để đối phó biểu tình chỉ thỏa đáng nếu nó được áp dụng tùy biến, nghĩa là ISA chỉ nên có hiệu lực khi xuất hiện các dấu hiệu bạo lực ở các cuộc biểu tình.
Theo các nhà phân tích, xã hội Thái-lan đang bị chia rẽ sâu sắc khiến nền chính trị của đất nước luôn trong tình trạng bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ tới kinh tế nước này. Trong một động thái mới, Nhà Vua Thái-lan Bhumibol Adulyadej bày tỏ lo ngại về nguy cơ đất nước rơi vào tình trạng suy sụp và xã hội rối loạn do những mâu thuẫn dai dẳng giữa các tầng lớp và khu vực khác nhau ở đất nước Chùa Vàng. Ông kêu gọi người dân Thái-lan ở mọi tầng lớp, mọi địa phương, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân để cùng hành động và hợp tác ngăn chặn nguy cơ trên.
Ý kiến bạn đọc