Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy đầu tiên lên vũ trụ
Chính phủ Hàn Quốc chiều 25-8 thông báo đã phóng thành công tên lửa đẩy đầu tiên của nước này đưa vệ tinh khoa học nặng 100 kg lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất.
Tên lửa đẩy KSLV-1 đưa một vệ tinh quan sát đại dương và khí quyển lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
Vụ phóng tên lửa diễn ra sau bảy lần trì hoãn kể từ năm 2005 đến nay vì nhiều lý do trong đó có lý do kỹ thuật. Lần trì hoãn gần đây nhất vào ngày 19-8 do hệ thống tự động của tên lửa bị lỗi. Các chuyên gia đã quyết định hoãn phóng tên lửa dù nhiên liệu đã được bơm vào và bệ phóng đã được lắp ráp.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết liên lạc giữa trung tâm mặt đất và vệ tinh có khả năng thông suốt trong vòng từ 11 giờ đến 13 giờ tới kể từ thời điểm phóng tên lửa – 17 giờ (15 giờ ngày 25-8, giờ Hà Nội).
Hàn Quốc chi 502,5 tỷ won (402,4 triệu USD) để chế tạo tên lửa KSLV-1. Đây là công trình hợp tác giữa Hàn Quốc và Nga trong chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc.
KSLV-1 nặng 140 tấn, cao 33m, đường kính 2,9m là phiên bản cải tiến của tên lửa Angara, một loại tên lửa đẩy thế hệ mới do Trung tâm vũ trụ Khrunichev của Nga phát triển. Tên lửa gồm hai tầng, tầng một sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng sản xuất tại Nga có thể tạo ra lực đẩy 170 tấn, tầng hai sử dụng động cơ nhiên liệu rắn do Hàn Quốc chế tạo có thể tạo lực đẩy tám tấn.
Sinh viên Hàn Quốc chào mừng vụ phóng tên lửa thành công (Ảnh AP).
Kể từ năm 1992 tới nay, Hàn Quốc phóng 11 vệ tinh nhưng đều từ bên ngoài lãnh thổ nước này và đều sử dụng tên lửa đẩy của nước ngoài. Theo các chuyên gia tại KARI, với việc phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trái đất, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới đưa vệ tinh khoa học tự chế tạo lên quỹ đạo từ lãnh thổ của mình.
Với việc phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, Hàn Quốc hy vọng thực hiện mục tiêu tự chế tạo tên lửa đẩy hoàn toàn bằng công nghệ của nước này vào năm 2018. Chính phủ Hàn Quốc cũng từng công bố mục tiêu phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng vào năm 2025.
Ý kiến bạn đọc