Chuyến đi phá băng của Bình Nhưỡng
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, người dành cả cuộc đời đấu tranh cho nền dân chủ và sự hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên, vẫn tiếp tục tạo nên ảnh hưởng sau khi đã yên nghỉ. Nếu khi còn sống ông không ngừng nỗ lực hàn gắn bán đảo Triều Tiên thông qua Chính sách Ánh Dương, sự kiện ông qua đời đã giúp hai miền Triều Tiên một lần nữa có cơ hội tiến tới hòa giải sau những bất đồng tưởng chừng như không dễ dàng hàn gắn. Thông tấn xã Yonhap đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm qua đã tiếp đoàn đại biểu cấp cao của CHDCND Triều Tiên nhân dịp đoàn này đến viếng ông Kim Dae-jung. Đây cũng là lần đầu tiên ông Lee có cuộc gặp với các quan chức miền Bắc kể từ khi nhậm chức tổng thống cách đây 18 tháng.
Trong cuộc gặp kéo dài 30 phút tại Nhà Xanh, Tổng thống Lee đã nhận thông điệp miệng từ Chủ tịch Kim Jong-il do Trưởng đoàn là Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-nam chuyển lời. Mặc dù không công bố chi tiết thông điệp trên do tính chất nhạy cảm của vấn đề, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Lee Dong-kwan cho hay nhà lãnh đạo Kim bày tỏ mong ước có sự tiến triển trong quan hệ liên Triều, theo hãng tin Reuters.
Đoàn đại biểu miền Bắc cũng hy vọng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề qua kênh đối thoại. Đáp lại, Tổng thống Lee cũng đã giải thích chính sách “nhất quán và kiên định” của Seoul về quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Trước đó, sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Hyun In-taek hôm 22.8, Bộ trưởng Mặt trận thống nhất Triều Tiên Kim Yang-gon cho biết ông tin rằng quan hệ liên Triều phải được cải thiện trong thời gian sớm nhất có thể. “Chúng tôi ít có cơ hội đối thoại... Tôi hy vọng những cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên này dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak sẽ cho chúng tôi có dịp đối thoại thẳng thắn”, hãng tin BBC dẫn lời ông Kim.
Những thông điệp trên đánh dấu sự đổi hướng trong chính sách đối ngoại với Seoul của miền Bắc sau một loạt các hành động gây căng thẳng gần đây khiến đôi lúc tưởng chừng như bán đảo Triều Tiên sắp rơi vào tình trạng chiến tranh. Đây là cách Bình Nhưỡng áp dụng để phản ứng trước lập trường cứng rắn của Tổng thống Lee Myung-bak. Sau khi nhậm chức, ông Lee tuyên bố khép lại Chính sách Ánh Dương, cắt mọi khoản viện trợ hằng năm do CHDCND Triều Tiên không chịu ngưng chương trình làm giàu hạt nhân.
Nguồn viện trợ từ miền Nam, trong đó gồm 400.000 đến 500.000 tấn gạo và khoảng 300.000 tấn phân bón/năm, chiếm đến 5% trong tổng GDP hằng năm ước tính 17 tỉ USD của miền Bắc. Trước tình thế bị LHQ tăng cường cấm vận khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn, Bình Nhưỡng bắt đầu mở lại các kênh đối thoại với Seoul, gần đây nhất là cho phép nối lại tuyến du lịch đến núi Kim Cương, vốn có thể giúp miền Bắc thu được hàng chục triệu USD từ đây đến cuối năm. Bên cạnh đó, việc khôi phục lại hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong cũng mang lại nguồn thu lớn cho Bình Nhưỡng. Và cơ hội đặt nền móng đối thoại tốt nhất chính là dịp viếng tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung.
Ý kiến bạn đọc