Tiến trình hòa bình Trung Đông
Vết rạn Mỹ - I-xra-en thêm lớn
I-xra-en đã phản đối quyết liệt việc Mỹ yêu cầu Ten A-víp đình chỉ một kế hoạch dự án xây dựng nhà tại Đông Giê-ru-xa-lem.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập Đại sứ I-xra-en tại Mỹ M. Ô-ren và thông báo rằng I-xra-en không nên xúc tiến dự án mà nhà triệu phú người Mỹ I. Mô-xcô-vít đang triển khai. Dự án này được chính quyền I-xra-en thông qua hồi đầu tháng 7, cho phép xây dựng 20 căn hộ và một bãi để xe. Phát biểu trong cuộc họp Nội các ngày 19-7, Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố, Ten A-víp có thể xây dựng ở bất kỳ khu vực nào tại Giê-ru-xa-lem. Ông Nê-ta-ni-a-hu đã nhấn mạnh rằng chủ quyền của I-xra-en đối với toàn bộ Giê-ru-xa-lem là “không thể tranh cãi”.
Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy mâu thuẫn hiếm có giữa Oa-sinh-tơn và Ten A-víp đang ngày càng trở nên trầm trọng. Suốt mấy chục năm qua, I-xra-en là đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Với những tính toán chiến lược, Oa-sinh-tơn luôn hậu thuẫn Ten A-víp toàn diện, từ an ninh, chính trị đến kinh tế. Sự ủng hộ thái quá đó đã tạo ra bao rắc rối cho Oa-sinh-tơn. Lâu nay, Oa-sinh-tơn luôn bật đèn xanh để Ten A-víp tự do hành động khiến tiến trình hòa bình Trung Đông mãi vẫn chưa đến đích. Giải quyết xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin là nhu cầu cấp thiết của đương kim Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma để mở ra một chương mới trong quan hệ với thế giới A-rập. Mở rộng các khu định cư Do Thái từ lâu đã được xác định là nhân tố phá hoại tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Chính vì vậy, từ lúc lên cầm quyền, ông Ô-ba-ma đã nhiều lần thúc giục Ten A-víp từ bỏ việc này.
Tuy nhiên, Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu đã bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi của Mỹ và của cả châu Âu. Ngoại trưởng Đức Stai-mai-ơ từng nêu rõ việc I-xra-en từ chối ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở vùng Bờ Tây thuộc Pa-le-xtin sẽ làm tiêu tan tia hy vọng mới về tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông nhấn mạnh nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma hối thúc I-xra-en đình chỉ mọi hoạt động xây dựng các khu định cư trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 là cơ hội duy nhất mà khu vực này không nên bỏ qua. Theo ông Stai-mai-ơ, các nước trong khu vực như Gioóc-đa-ni, Ai Cập, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất có thể sẽ từ bỏ nỗ lực ủng hộ tiến trình hòa bình Trung Đông nếu I-xra-ren tiếp tục xây dựng các khu định cư tại các vùng đất lấn chiếm.
Có thể hiểu Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu bất chấp mọi sức ép từ bên ngoài là do phe của ông lên nắm quyền là nhờ những quan điểm cứng rắn sau cuộc chiến với lực lượng Hamas của Pa-le-xtin ở Dải Ga-da. Ngoài vấn đề mở rộng khu định cư, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu còn tỏ thái độ lập lờ trong việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin. Tuần trước, I-xra-en đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) đề nghị Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin theo một hạn chót nhất định, kể cả khi I-xra-en và Pa-le-xtin không đạt được một thỏa thuận hòa bình. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-xra-en A. Li-bơ-man tuyên bố: “Thỏa thuận hòa bình chỉ có thể đạt được bằng đàm phán trực tiếp và không bị ép buộc”. Trong khi đó, phía Pa-le-xtin lại khẳng định, họ sẽ không quay lại bàn đàm phán trừ phi I-xra-en ngừng toàn bộ hoạt động xây dựng các khu định cư.
Ý kiến bạn đọc