Ngoại giao tổng lực để “cởi nút thắt” Trung Đông
Trong chuyến thăm Trung Đông đầu tháng 6-2009, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma khẳng định phương án hai nhà nước là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en.
Lời hứa của ông Ô-ba-ma xem ra đang dần được thực hiện khi liên tục trong mấy ngày gần đây một loạt chuyến ngoại giao con thoi của các quan chức cấp cao và đặc phái viên Mỹ về Trung Đông đang được xúc tiến một cách tích cực.
Cùng thời điểm này còn hai quan chức cấp cao khác, gồm đặc phái viên Mỹ về Trung Đông G.Mít-sen và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ G.Giôn, cũng có mặt tại Trung Đông. Các chuyến thăm dồn dập này cho thấy Mỹ đang tiến hành đợt ngoại giao mới trong nỗ lực “cởi nút thắt” mang tên Trung Đông trong chiến lược đối ngoại mới với phương pháp tiếp cận mới.
Trong tiến trình cần giải quyết để có hòa bình cho Trung Đông, ngoài I-xra-en, Xy-ri đang được Mỹ xác định là một trong những khâu quan trọng để hướng tới. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông của ông Mít-sen là Xy-ri. Hai lần trong một tháng qua, ông Mít-sen đã tới đây chứng tỏ Mỹ đang muốn cải thiện quan hệ với Xy-ri và muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Xy-ri đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong các cuộc gặp với Tổng thống Xy-ri B.Át-xát, ông Mít-sen đã bày tỏ mong muốn Đa-mát sẽ giúp xúc tiến một thỏa thuận hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Nhà ngoại giao này cho biết ông đã chuyển tới Tổng thống Át-xát quan điểm của Tổng thống Ô-ba-ma là quyết tâm hỗ trợ hòa bình toàn diện giữa I-xra-en và các nước láng giềng A-rập, bởi vì hòa bình là cách duy nhất để bảo đảm “ổn định, an ninh và sự thịnh vượng” trong khu vực.
Sở dĩ Xy-ri đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Đông là vì Mỹ cho rằng, Đa-mát có ảnh hưởng với phong trào vũ trang Hamas của Pa-le-xtin, hậu thuẫn phong trào Héc-bô-la ở Li-băng, và vì vậy nếu Xy-ri có thái độ tích cực, tiến trình Trung Đông sẽ nhanh chóng tìm ra lối thoát. Ông Mít-sen cũng thẳng thắn thừa nhận, muốn đạt được một nền hòa bình toàn diện ở Trung Đông, không thể bỏ qua vai trò của Đa-mát và Ten A-víp. Đây được xem là "mục tiêu gần" cần thực hiện.
Ngay sau khi đạt được một số thỏa thuận với Xy-ri, cùng ngày, ông Mít-sen đã tới I-xra-en và thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Ê-hút Ba-rắc về việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin cũng như những bất đồng gần đây giữa Mỹ và I-xra-en, trong đó có việc yêu cầu Ten A-víp ngừng mọi hoạt động xây dựng khu định cư ở Bờ Tây. Sau khi rời I-xra-en, ông Mít-sen đã đến thủ đô Cai-rô để thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà H.Mu-ba-rắc, gặp gỡ một số quan chức cấp cao để bàn về nỗ lực hòa giải giữa hai nhóm Fatah và Hamas của Pa-le-xtin. Chặng dừng chân cuối cùng là tới Bờ Tây để hội đàm với Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát.
Ý kiến bạn đọc