Nối lại đàm phán sáu bên vẫn là ưu tiên hàng đầu
08:51, 28/05/2009
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra ngày càng phức tạp sau vụ thử hạt nhân và bắn thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Một đơn vị tên lửa Triều Tiên trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh AFP). |
Triều Tiên coi quyết định của Hàn Quốc tham gia PSI đồng nghĩa với việc tuyên chiến với Bình Nhưỡng. Chiều 27-5, Ủy ban Tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên đã ra tuyên bố nêu rõ, mọi hành động ngăn chặn, bắt giữ hoặc lục soát các tàu, thuyền của Triều Tiên (trong trường hợp thực hiện PSI) sẽ bị coi là sự xâm phạm lãnh thổ và vi phạm chủ quyền của Triều Tiên và sẽ bị đáp trả một cách "kiên quyết và không khoan nhượng". Cùng ngày, quân đội Triều Tiên cũng đã đưa ra tuyên bố 3 điểm, trong đó cảnh báo tiến hành các hành động quân sự nhằm vào các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ ở đất liền và biên giới liên Triều, đồng thời tuyên bố "quân đội Triều Tiên sẽ ngừng tuân thủ Hiệp định đình chiến 1953". Bình Nhưỡng cũng nêu rõ sẽ không bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu ngoài khơi bờ biển phía Tây của nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Bắc đã đề nghị các bộ, ngành liên quan trong nước "phản ứng bình tĩnh” và cho rằng quốc tế cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Bình Nhưỡng. Ngày 27-5, Tổng thống Li đã có cuộc gặp đặc biệt với các cố vấn về ngoại giao và an ninh quốc gia, đồng thời trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nhật Bản T.A-xô. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên minh quốc tế trong đối phó với các diễn biến căng thẳng liên tiếp gần đây trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên thắt chặt hợp tác để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân. Tổng thống Li và Tổng thống Mét-vê-đép đã nhất trí cùng hành động để thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ của quốc tế đối với vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên, đồng thời tuyên bố ủng hộ một nghị quyết mới cứng rắn hơn của Hội đồng Bảo an LHQ. Tổng thống Mét-vê-đép đã gọi vụ thử này là “sự vi phạm thô bạo” Nghị quyết 1718 được HĐBA LHQ thông qua năm 2006, coi đây là hành động đe dọa hòa bình thế giới cũng như sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga X.La-vrốp cho rằng, HĐBA LHQ cần có những biện pháp thực tế giúp ngăn chặn sự suy yếu của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, cần có một nghị quyết mới theo hướng tạo điều kiện nối lại các vòng đàm phán sáu bên và tránh kích động Triều Tiên đưa ra các hành động hiếu chiến khác nữa.
Chia sẻ quan điểm với ông La-vrốp, Ngoại trưởng Anh Đa-vít Mi-li-bân cho rằng, việc duy trì sự đoàn kết trước hành động của Triều Tiên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Theo ông Mi-li-bân, cộng đồng quốc tế cần tìm cách ngăn chặn Triều Tiên thử vũ khí và tìm kiếm một giải pháp dài hạn thông qua đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp Béc-na Cu-snơ tuyên bố thế giới không thể phớt lờ các vụ thử hạt nhân đang tiếp diễn của Bình Nhưỡng song ông nhận định khó có thể có một bản nghị quyết mới của LHQ trước cuối tuần này.
qdnd.com.vn
Ý kiến bạn đọc