Căng thẳng hai miền Triều Tiên leo thang

08:04, 29/05/2009
Bán đảo Triều Tiên đang trong tình thế vô cùng nhạy cảm. Bất cứ cuộc chạm trán nào cũng có thể xảy ra chiến tranh, theo cảnh báo của miền Bắc.

Mỹ, Hàn Quốc nâng mức cảnh giác

Tư lệnh các lực lượng hỗn hợp Hàn Quốc – Mỹ (CFC) hôm qua đã nâng mức độ cảnh giác Watchcon (có nghĩa là Các điều kiện giám sát) lên cấp độ cao nhất kể từ năm 2006 sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2 và nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra, theo thông tấn xã Yonhap. Quyết định trên đã được đưa ra trong lúc miền Bắc đe dọa gây chiến trên bán đảo Triều Tiên, về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh do cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải hiệp định hòa bình. Vào ngày 27.5, CHDCND Triều Tiên tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận ngừng bắn để trả đũa việc Hàn Quốc tham gia đầy đủ vào Sáng kiến phòng ngừa phổ biến vũ khí hàng loạt (PSI) vào hôm 26.5. Cùng với tuyên bố trên, Bình Nhưỡng cảnh báo không còn đảm bảo an ninh cho các tàu Hàn Quốc và Mỹ di chuyển dọc theo giới tuyến tại Hoàng Hải. Theo tờ Rodong Sinmun của miền Bắc, “kế hoạch xâm chiếm về hướng Bắc của Mỹ - Hàn Quốc” đã vượt quá mức độ báo động và Bình Nhưỡng cảnh cáo rằng bất cứ cuộc chạm trán nhỏ cũng có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

“Watchcon II đã có hiệu lực vào 7 giờ 15”, Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Won Tae-jae hôm 28.5. Ông nói thêm mức độ cảnh báo sẵn sàng chiến đấu của quân đội, Defcon, vẫn được giữ ở cấp độ 4 như thường lệ, dùng để chỉ tình trạng bình thường, nhưng tăng cường hoạt động tình báo và nâng cao các biện pháp an ninh quốc phòng. Đây là lần thứ 5 Hàn Quốc và Mỹ buộc phải nâng cấp độ theo dõi Watchcon lên mức cao thứ 2 (theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm về mối đe dọa an ninh). Cấp độ cao nhất là Watchcon I, chỉ dùng trong lúc chiến tranh. Lần nâng Watchcon gần đây nhất là vào tháng 10.2006, khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Watchcon II đã lần đầu tiên được khởi động vào năm 1982, khi CHDCND Triều Tiên điều động máy bay ném bom đến sát giới tuyến 2 miền. Lần thứ 2 là vào năm 1996 sau khi miền Bắc triển khai quân đội bên phần mình tại khu vực phi quân sự. Watchcon II tiếp tục có hiệu lực sau đó 3 năm, khi tàu chiến hai miền đụng độ nhau gần giới tuyến tạm thời trên biển hồi năm 1999.

Tăng cường hoạt động do thám

Liên quan về thỏa thuận ngừng bắn tại bán đảo Triều Tiên, Tư lệnh LHQ do Mỹ dẫn đầu tại Hàn Quốc hôm qua đã bác bỏ tuyên bố của CHDCND Triều Tiên rằng thỏa thuận này đã bị phá vỡ. “Thỏa thuận ngừng bắn vẫn đang còn có hiệu lực và được ràng buộc bởi toàn bộ các chữ ký, trong đó có miền Bắc”, Yonhap dẫn tuyên bố của Tư lệnh LHQ.

Sau khi quyết định trên được ban hành, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay sẽ tăng cường các hoạt động do thám và phân tích tình báo đối với CHDCND Triều Tiên, theo đài KBS. Cụ thể, CFC tăng tần suất hoạt động của các máy bay gián điệp U-2 và phản lực trinh thám RF-4 tại giới tuyến liên Triều. Dù phát ngôn viên Bộ Quốc phòng từ chối cung cấp thêm thông tin xung quanh việc nâng Watchcon lên cấp độ 2, nhưng một quan chức thuộc Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc giấu tên cho hay quân đội nước này cũng đã tăng cường việc điều động lực lượng binh sĩ và thiết bị quân sự dọc theo giới tuyến trên bộ và trên biển, theo AP. Hiện Seoul cũng mới triển khai thêm nhiều tên lửa và pháo phòng không tại các căn cứ quân sự trên những đảo gần giới tuyến đang tranh cãi trên biển với miền Bắc, theo báo JoongAng Ilbo. Đồng thời, tàu khu trục của Hàn Quốc cũng đang có mặt tại khu vực trên, hoạt động song song với các tàu chiến của CHDCND Triều Tiên hiện tuần tra trên Hoàng Hải.

Theo phân tích của báo Korea Times, căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên gần đây bắt đầu leo thang đến mức cao nhất trong 15 năm qua. Có thể nói, tình hình hiện tại còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần so với thời điểm vào năm 1994, khi Hàn Quốc không hay biết về ý định của Mỹ lên kế hoạch tấn công phủ đầu cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Hiện nay, Seoul không những có vẻ tán thành mà còn khuyến khích Washington hành động tương tự để trả đũa bất cứ sự khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, lối thoát cho tình trạng căng thẳng leo thang hiện thời chỉ có con đường đàm phán, cho dù Mỹ luôn khẳng định sẽ hết sức bảo vệ đồng minh quan trọng tại Đông Á một khi xung đột xảy ra.


thanhnien.com.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ nguyên giá bán lẻ sách giáo khoa như năm 2008
Chiều 28- 4, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Ngô Trần Ái có văn bản gửi các báo khẳng định Nhà xuất bản sẽ giữ nguyên giá bán lẻ sách giáo khoa và sách bổ trợ như năm 2008 đồng thời bảo đảm có đủ sách giáo khoa cho tất cả các học sinh có nhu cầu.
29/04/2009
Một trăm ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ
Ở tuổi 47, khi bước vào Nhà Trắng, ông Obama đã để lại dấu ấn ngoại giao riêng của mình trên trường quốc tế. Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới châu Âu, Tổng thống Mỹ Obama đã khiến người ta nghĩ rằng, đang có một phong cách mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ bằng câu nói: “Tôi đến đây để thúc đẩy các ý tưởng, nhưng tôi cũng đến đây để lắng nghe, chứ không giao
29/04/2009
Nối lại đàm phán sáu bên vẫn là ưu tiên hàng đầu
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra ngày càng phức tạp sau vụ thử hạt nhân và bắn thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
28/05/2009
Pháp mở căn cứ quân sự đầu tiên tại Vùng Vịnh
Hôm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức mở căn cứ quân sự của Pháp tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Đây là căn cứ quân sự cố định đầu tiên của Pháp tại Vùng Vịnh.
27/05/2009