Một trăm ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ
Ở tuổi 47, khi bước vào Nhà Trắng, ông Obama đã để lại dấu ấn ngoại giao riêng của mình trên trường quốc tế. Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới châu Âu, Tổng thống Mỹ Obama đã khiến người ta nghĩ rằng, đang có một phong cách mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ bằng câu nói: “Tôi đến đây để thúc đẩy các ý tưởng, nhưng tôi cũng đến đây để lắng nghe, chứ không giao giảng”...
Hôm 27.4 là thời điểm đánh dấu 100 ngày làm việc đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, 100 ngày ấy đã được báo giới dõi theo sát sao, vì đó là quãng thời gian để ông Obama tạo dựng nền tảng cho phần còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Thời gian sẽ đánh giá mức độ thành công của ông, nhưng dư luận nhìn chung đều hết sức ấn tượng với hình ảnh một vị tổng thống Mỹ có chính sách ngoại giao cởi mở khác hẳn người tiền nhiệm.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt tay Tổng thống Mỹ Obama. Bên cạnh 2 ông là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Trong những ngày đầu nhiệm kì, Tổng thống Obama đã dành những cái bắt tay thân mật và nụ cười cởi mở với các nguyên thủ thế giới, từ những quốc gia đồng minh hay thù địch của Mỹ.
Cuộc gặp được mong đợi giữa Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama.
Ông Reginald Dale, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng: “Ông ấy muốn làm bạn và thể hiện sự tôn trọng với tất cả các quốc gia, dù họ có quan hệ thế nào với Mỹ”.
Thủ tướng Anh Brown và Tổng thống Mỹ Obama.
Dấu ấn của ngoại giao của ông Obama dù là mang tính lễ tân, nhưng được cho là sẽ giúp người đứng đầu Nhà Trắng đối phó được với những lời chỉ trích đã, đang và sẽ còn dành cho nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Tổng thống Mexico Calderon tiếp Tổng thống Obama.
Tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ ở Trinidad vài ngày trước, ông Obama đã được 1 ký giả hỏi về sự mới nổi của “Học thuyết Obama”, và ông đã trả lời: “Nước Mỹ hiện vẫn là quốc gia mạnh nhất, giàu có nhất thế giới. Nhưng chúng ta chỉ là 1 quốc gia, mà những vấn đề chúng ta đối mặt từ khủng bố, buôn lậu ma túy, thay đổi khí hậu... lại không thể giải quyết bởi mỗi một quốc gia đơn lẻ. Và tôi nghĩ, nếu bạn bắt đầu với suy nghĩ đó, bạn sẽ biết cách lắng nghe người khác, chứ không chỉ thuyết giảng”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (từ trái qua) tại buổi chụp ảnh của Hội nghị G20.
Quan điểm đó đã nhận được sự ủng hộ cả trong nước lẫn nước ngoài, dù một số chuyên gia nhận định, điều đó có thể tạo ấn tượng với một số quốc gia thù địch của Mỹ là nước Mỹ đang bị yếu thế.
Nhưng với 2 chiến trường lớn là Iraq và Afghanistan, ông Obama lại đang được ủng hộ với quyết định rút hết quân Mỹ khỏi Iraq vào năm 2011 và tăng viện cho Afghanistan để chống khủng bố và Taliban. Hình ảnh ông Obama được chào đón nồng nhiệt khi đến Iraq tương phản với chuyến thăm lạnh nhạt của người tiền nhiện của ông - tác giả của cuộc chiến.
Tổng thống Obama thăm lính Mỹ ở Iraq. Ảnh: Reuters, AP
Theo tổ chức thăm dò Gallup, tỷ lệ ủng hộ Obama trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên lên tới 63%. Tiến sỹ Frank Newport, Tổng Biên tập Gallup nói: “Nhìn vào số liệu, chúng ta thấy rằng, đối với các vấn đề như an ninh quốc gia, đối ngoại, ông Obama đang làm tốt hơn kinh tế”.
So sánh 100 ngày làm việc đầu tiên của ông Obama với người tiền nhiệm có thể cho thấy tương lai của một nhiệm kì sáng sủa hơn. Nhưng ông Obama vẫn cho rằng, mọi thứ còn đang là sự khởi đầu.
Ý kiến bạn đọc