Xy-ri không có ý định “lấy lòng” Mỹ

07:51, 23/02/2009

Bất chấp chuyến công du “xoa dịu” của đoàn nghị sĩ cấp cao Mỹ, mối quan hệ “ông chẳng bà chuộc” giữa Mỹ và Xy-ri chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là phản ứng của Mỹ sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng, Đa-mát đang che giấu những nguyên liệu hạt nhân không được công bố.


Đoàn nghị sĩ Mỹ do Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện dẫn đầu là đoàn thứ ba của Mỹ đến Xy-ri trong tuần vừa rồi trong bối cảnh Oa-sinh-tơn xem xét lại các chính sách của mình đối với các quốc gia mà chính quyền tiền nhiệm coi là thù địch. Ông Ke-ri cũng là quan chức Mỹ cao cấp nhất thăm Xy-ri kể từ sau chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nan-xi Pê-lô-xi hồi năm 2007.

 

Tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ tại Đa-mát, Tổng thống Xy-ri An Át-xát nói Mỹ cần “từ bỏ chính sách dựa trên các quyết định sai khiến”. Theo ông, những quan hệ trong tương lai sẽ dựa trên “sự hiểu biết thích hợp” của Oa-sinh-tơn về các vấn đề khu vực và lợi ích chung. “Đối thoại dựa trên cơ sở lịch sử của khu vực và những quyền của người dân ở đó là cách duy nhất để hiểu và giải quyết các vấn đề”, ông Át-xát nhấn mạnh. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn được đăng tải trên tờ Người bảo vệ (Anh) hôm 18-2, Tổng thống Xy-ri Át-xát cũng bày tỏ rằng Xy-ri mong muốn thiết lập một quan hệ mới với Mỹ sau thời kỳ cầm quyền của cựu Tổng thống Bu-sơ.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quan hệ vốn nhiều “ân oán” giữa Oa-sinh-tơn và Đa-mát khó có thể được cải thiện trong “một sớm một chiều”. Điều đó càng rõ ràng hơn trước phản ứng của Oa-sinh-tơn đối với báo cáo của IAEA liên quan tới “những mẫu u-ra-ni không được công bố” mới được phát hiện tại một khu vực sa mạc của Xy-ri. Về vấn đề này, hôm 20-2, Mỹ đã lập tức triệu Đại sứ Xy-ri tại Oa-sinh-tơn, ông I. Mút-xta-pha, đến để yêu cầu giải thích. Trước đó, Oa-sinh-tơn đã hối thúc IAEA thảo luận về cái mà tổ chức này gọi là bằng chứng cho thấy một chương trình hạt nhân bí mật ở Xy-ri tại cuộc họp của cơ quan này trong tháng tới ở Viên.

 

Từ lâu nay, Mỹ vẫn cáo buộc Xy-ri có liên quan đến hoạt động sản xuất u-ra-ni để chế tạo vũ khí hạt nhân. Các thanh sát viên IAEA hôm 19-2 đã tìm thấy “một số mảnh u-ra-ni đáng ngờ” tại An Ki-ba, còn có tên là Đe An-dua, một địa điểm hẻo lánh mà Đa-mát khẳng định là một căn cứ quân sự bỏ hoang sau khi bị I-xra-en san bằng trong các vụ không kích tháng 9-2007. Ngoài ra, các thanh sát viên IAEA lần đầu tiên còn tìm thấy tại nơi này một số mảnh than chì, thành phần chủ yếu trong lõi của các lò phản ứng hạt nhân. Hiện IAEA đang phân tích các mảnh than chì nhằm xác định vật liệu này có ở cấp độ vũ khí hay không. IAEA cử thanh sát viên đến An Ki-ba từ tháng 6-2008 để thu thập các mẫu phẩm nhằm xác minh cáo buộc của Mỹ. Năm ngoái, IAEA tiết lộ đã phát hiện một khối lượng lớn mảnh u-ra-ni do con người tạo ra. Các mảnh u-ra-ni mới được phát hiện cũng thuộc loại này. Đa-mát trước đó khẳng định tất cả các mảnh u-ra-ni mà các thanh sát viên IAEA tìm được ở An Ki-ba có nguồn gốc từ những trái đạn do I-xra-en bắn vào căn cứ này. IAEA đã bác bỏ cách giải thích của Đa-mát.

 

Quan hệ Xy-ri và Mỹ không được tốt trong quá khứ vì sự ủng hộ của Đa-mát đối với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của người Pa-le-xtin và phong trào Héc-bô-la ở Li-băng. Năm ngoái, từ lãnh thổ I-rắc, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích quân sự vào sâu trong lãnh thổ Xy-ri, nhằm tiêu diệt một cứ điểm mà Oa-sinh-tơn cho là nơi tập kết trước khi xâm nhập I-rắc của những tay súng nước ngoài có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Xy-ri khẳng định, cuộc tấn công này đã cướp đi sinh mạng của 2 thường dân. Xy-ri đã đóng cửa 2 cơ quan của Mỹ tại Đa-mát để trả đũa. Sự hợp tác giữa Xy-ri và I-ran cũng khiến Mỹ tức giận.

 

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Xy-ri giảm bớt quan hệ với Héc-bô-la, Hamas hay I-ran để “lấy lòng” Mỹ.


qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phong tục đón Tết ở một số nước châu Âu
Lần đầu người châu Âu đón năm mới vào ngày 1/1, bắt đầu từ đêm 31/12 năm 999 sang ngày đầu tiên của năm 1000.
31/01/2009
Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn với Taliban
Tân Hoa xã đưa tin, chính quyền TP Swat thuộc khu vực hành chính Malakand ở tây bắc Pakistan cho biết, Chính phủ nước này và lực lượng Taliban đã đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại thung lũng Swat.
23/02/2009
Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Mỹ
Đúng 24 giờ đêm theo giờ Hà Nội, ông Barack Obama đã chính thức đặt tay lên cuốn kinh thánh tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại trong lịch sử nước Mỹ khi lần đầu tiên nước Mỹ đón chào một tổng thống da đen.
21/01/2009
Tổng thống Mỹ thăm Canada: Làm mới quan hệ đồng minh cũ
Ngày 19/2, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên chiếc Air Force o­ne, bay thẳng tới Ottawa (Canada) thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
20/02/2009