Việt - Trung chính thức có đường biên giới trên bộ
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Quảng Tây - Trung Quốc) vừa diễn ra "Lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam- Trung Quốc" theo nghi thức cấp Nhà nước.
Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bởi lần đầu tiên hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền, có giá trị trường tồn với hai quốc gia, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước.
Đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc vừa hoàn thành việc phân giới cắm mốc có tổng chiều dài khoảng 1.400 km từ Tây sang Đông, tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây của Trung Quốc.
Đây là nỗ lực của gần 8 năm đàm phán và triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành mối quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Với nỗ lực to lớn của 2 nước, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo 2 bên, các vấn đề do lịch sử để lại đã được giải quyết tích cực: "Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và đưa Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa 2 nước vào cuộc sống tạo cơ sở vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, mở ra những cơ hội tốt đẹp cho công cuộc phát triển của mỗi nước, nhất là các địa phương biên giới, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của cả khu vực. Đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác - hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước và cũng là thông điệp quan trọng khẳng định với thế giới về mối quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Ông Đới Bình Quốc - Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc - Việt Nam là 2 nước láng giềng hữu nghị, núi sông liền một dải. Công tác phân giới cắm mốc liên quan đến chủ quyền quốc gia, liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân 2 nước. Trung Quốc sẽ nỗ lực với Đảng và Chính phủ Việt Nam xây dựng đường biên giới đất liền Trung Quốc - Việt Nam thành đường giới của tình giao lưu, hữu nghị và hợp tác: "Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đất liền Trung Quốc - Việt Nam một lần nữa khẳng định: Chỉ cần 2 bên luôn kiên trì phương châm chỉ đạo 16 chữ và tinh thần 4 tốt mà lãnh đạo 2 nước đã xác định luôn lấy đại cục Hữu nghị 2 nước Trung Quốc - Việt Nam làm trọng thì nhất định sẽ giải quyết ổn thỏa tất cả các vấn đề trong quan hệ 2 nước, thúc đẩy quan hệ 2 nước không ngừng tiến lên theo định hướng đúng đắn, phù hợp với lợi ích căn bản của 2 nước và nhân dân 2 nước".
Ngược dòng thời gian hơn một trăm năm trước, Công ước 1887 và 1895 do Chính phủ Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc) ký đã xác định đường biên giới giữa Bắc Kỳ của Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng do những thay đổi của lịch sử, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hơn một trăm năm qua đã có nhiều biến động phức tạp. Một số mốc giới đã bị mất, bị hủy hoại, hoặc bị dịch chuyển... gây ra nhận thức khác nhau về đường biên giới ở một số khu vực.
Tình hình đó đặt ra yêu cầu xác định lại rõ ràng, cụ thể đường biên giới pháp lý này với một hệ thống mốc giới hiện đại, bền vững. Và đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên được xác lập trên cơ sở tôn trọng công ước năm 1887 và 1895 ( gọi tắt là công ước Pháp-Thanh) đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ 2 nước.
Theo ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Việt Nam về biên giới lãnh thổ: "Năm 2009 này, chúng ta còn một số việc phải tiếp tục hoàn chỉnh để hoàn thiện kết quả biên giới cắm mốc. Thứ nhất là 2 bên phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để ký nghị định thư về kết quả phân giới cắm mốc bằng một hiệp chính thức giữa 2 Chính phủ. Hai bên cũng sẽ đang và sẽ phải ký kết quy chế quản lý biên giới mới thay thế quy chế quản lý biên giới tạm thời. Hai bên cũng sẽ ký hiệp định về việc quản lý hoạt động của các cửa khẩu. 2 bên cũng sẽ bàn bạc và đi đến ký kết về việc hợp tác khai thác tiềm năng khu vực của du lịch Thác Bản Giốc, 2 bên cũng sẽ bàn bạc ký hiệp định về quy định đi lại ở khu vực cửa sông Bắc Luân".
Ý kiến bạn đọc