Thái Lan: Lại biểu tình chống chính phủ

07:42, 26/02/2009

Tình hình chính trường Thái Lan lại có những dấu hiệu phức tạp và căng thẳng mới sau khi có khoảng 10.000 người biểu tình ủng hộ Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) tuần hành từ Sanam Luang tới Tòa nhà chính phủ tại thủ đô Bangkok sáng 24/2.


Cuộc biểu tình được báo trước
Tuy cuộc tuần hành sáng 24/2 diễn ra khá hoà bình, nhưng những người biểu tình mặc áo đỏ đang là mối quan tâm lớn đối với chính phủ, nhất là khi Thái Lan đang chuẩn bị khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 dự kiến diễn ra từ ngày 27/2 đến 1/3.
Những người biểu tình tiếp tục đưa ra 4 yêu sách giống như hôm 31/1, theo đó Chính phủ phải sa thải và truy tố những người trong nội các từng tham gia phong tỏa 2 sân bay ở thủ đô Bangkok hồi tháng 11/2008, trong đó có Ngoại trưởng Kasit Piromya, giải tán Quốc hội, tiến hành bầu cử lại và trừng phạt Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD).
Ông Jatuporn Prompan, thành viên chủ chốt của UDD khẳng định, những người biểu tình sẽ không tiến vào sâu bên trong Tòa nhà chính phủ và nếu ai quá khích, vi phạm những điều cấm, cảnh sát có thể bắt giữ bởi những người đó không phải là thành viên của "phe áo đỏ". Người biểu tình cho biết, họ sẽ gia tăng áp lực với chính phủ nếu 4 yêu sách kể trên tiếp tục bị từ chối. Dự kiến những người biểu tình sẽ "cắm chốt" trong khoảng 3 ngày.
Trước đó (23/2), khoảng 3.000 nông dân đã phong tỏa cầu Orathai và đường Phitsanulok nhằm bao vây Tòa nhà chính phủ, kêu gọi chính phủ giải quyết các vấn đề nợ nần của họ. Họ đã chiếm các lều bạt được chuẩn bị cho cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong khu vực. Theo giới truyền thông, những người biểu tình đã tập trung tại Sanam Luang từ tối 23/2 và họ tiếp tục tuần hành tới khu vực Tòa nhà chính phủ vào sáng 24/2.
Cho đến nay, nhiều tổ chức quần chúng ở Thái Lan đã kêu gọi UDD không để các hoạt động biểu tình làm tổn hại tới hình ảnh đất nước bởi họ dự kiến tổ chức biểu tình trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khẳng định, chính phủ sẽ cho phép người biểu tình tuần hành chừng nào họ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Abhisit Vejjajiva cũng kêu gọi người dân không làm tổn hại hình ảnh của đất nước bằng cách gây trở ngại cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14.
Để duy trì sự ổn định của tình hình, cảnh sát đã huy động khoảng 10.000 lính nhằm ngăn chặn người biểu tình chiếm giữ Tòa nhà Chính phủ và trụ sở Bộ Ngoại giao.
Trước khi tham dự phiên họp nội các hàng tuần tại huyện Cha-am, tỉnh Phetchaburi, Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, người chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh đã có mặt tại Tòa nhà Chính phủ sáng 24/2 để yêu cầu cảnh sát kiểm soát tình hình, ngăn không cho người biểu tình xông vào bên trong khu vực này.
Ông Suthep Thaugsuban từng ra lệnh cho cảnh sát phải hành động cương quyết nếu người biểu tình vi phạm luật pháp và cũng là người thay mặt Thủ tướng Abhisit Vejjajiva bác bỏ tối hậu thư mà người biểu tình ủng hộ UDD đưa ra tối 31/1. Theo giới truyền thông, cuộc biểu tình của khoảng 30.000 người ủng hộ UDD đã kết thúc trong hoà bình vào rạng sáng 1/2 cho dù họ phá vỡ 4 phòng tuyến do cảnh sát và quân đội dựng lên khi tiến vào bao vây Tòa nhà Chính phủ đêm 31/1.
Ngoại trưởng Kasit Piromya vừa tuyên bố, sẵn sàng từ chức nếu có lệnh bắt giữ. Tuyên bố kể trên được đưa ra khi có tin nói rằng, cảnh sát sẽ ra lệnh bắt giữ 21 nhân vật chủ chốt của PAD bị cáo buộc chiếm giữ Văn phòng Chính phủ hồi năm ngoái.
Tân Cảnh sát trưởng Bangkok, Tướng Worawon Chiewpreecha và Phó Cảnh sát trưởng Bangkok, Tướng Ekkarat Meepreecha cho biết, họ sẽ xin lệnh bắt giam 21 lãnh đạo chủ chốt của PAD vì những cáo buộc đột nhập và chiếm đóng bất hợp pháp Tòa nhà chính phủ hồi cuối năm 2008.
Những biện pháp bình ổn của chính phủ
Để đề phòng trước những cuộc biểu tình có thể tiếp tục xảy ra và phát triển theo chiều hướng xấu, trước đó, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã thông qua dự luật đảm bảo an ninh cho các sân bay trong nước, đồng thời trao thêm quyền lực cho an ninh sân bay nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra những vụ tái chiếm trong tương lai. Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hy vọng sẽ cải thiện hình ảnh đất nước sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14.
Tuy tình hình chính trị bất ổn, nhưng những biện pháp kích cầu vẫn được chính phủ đặc biệt quan tâm. Được biết, một chiến dịch trao tiền cho những người thu nhập thấp đã được Hạ viện thông qua, nhưng còn đợi Thượng viện phê chuẩn trước khi đi vào thực tế trong tháng 3 tới. Nếu được thông qua, người làm công (cả tư nhân và nhà nước) có mức thu nhập dưới 15.000 baht/tháng (khoảng 428 USD) sẽ được nhận số tiền trị giá 2.000 baht và khoảng hơn 9 triệu người nằm trong diện này.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã hỗ trợ 9 nhóm lao động có thu nhập thấp để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Ngoài ra, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cũng thông qua 7 biện pháp kích thích kinh tê.
Giới kinh tế cho rằng, ngoài việc phải bình ổn chính trường, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva còn phải nhanh chóng chặn đà suy giảm của nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới. Nếu giải quyết được những thách thức kinh tế, biến động chính trị sẽ sớm bị đẩy lùi và Thủ tướng Abhisit Vejjajiva sẽ không phải lo ngại về khả năng đổ vỡ của liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và An sinh Witoon Nambutr phải từ chức (3/2) vì liên quan tới vụ bê bối cứu trợ người dân bị thiên tai ở miền Nam hồi tháng 12/2008 đang đặt ra những thách thức mới đối với nội các của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Thứ trưởng Nội vụ Boonjong Wongtrairat cũng bị chỉ trích vì cáo buộc mua phiếu bầu. Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban từng đứng trước lời buộc tội vi phạm luật bầu cử. Em trai ông Suthep Thaugsuban vừa bị Ủy ban Bầu cử kết luận gian lận bầu cử.
Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triều Tiên tuyên bố sắp phóng vệ tinh
Bình Nhưỡng cho biết chuẩn bị phóng vệ tinh bằng tên lửa tự tạo, trong khi giới quan sát cho rằng đây có thể là vụ thử tên lửa tầm xa.
25/02/2009
Việt - Trung chính thức có đường biên giới trên bộ
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Quảng Tây - Trung Quốc) vừa diễn ra "Lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam- Trung Quốc" theo nghi thức cấp Nhà nước.
24/02/2009
Xy-ri không có ý định “lấy lòng” Mỹ
Bất chấp chuyến công du “xoa dịu” của đoàn nghị sĩ cấp cao Mỹ, mối quan hệ “ông chẳng bà chuộc” giữa Mỹ và Xy-ri chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là phản ứng của Mỹ sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng, Đa-mát đang che giấu những nguyên liệu hạt nhân không được công bố.
23/02/2009
Nhiều thông điệp trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ
Sau khi tham dự buổi lễ tại nhà thờ ở Bắc Kinh và có cuộc tiếp xúc với một số phụ nữ khác tại thủ đô, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã rời Trung Quốc về nước, kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần (từ 15 đến 22/2).
23/02/2009