Nhiều thông điệp trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ

10:23, 23/02/2009

Sau khi tham dự buổi lễ tại nhà thờ ở Bắc Kinh và có cuộc tiếp xúc với một số phụ nữ khác tại thủ đô, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã rời Trung Quốc về nước, kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần (từ 15 đến 22/2).


 
 Ngoại trưởng Hillary Clinton với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.
Chặng dừng chân cuối cùng - trọng tâm của chuyến công du

Tuy Trung Quốc là quốc gia cuối cùng mà bà Hillary Clinton tới thăm trong chuyến công du châu Á, nhưng dư luận đều coi đây là trọng tâm chính mà Ngoại trưởng Mỹ đặt ra đối với lần xuất ngoại đầu tiên của mình trên cương vị này.

Trong các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton đều đề cập tới vấn đề kinh tế, chống biến đổi khí hậu và an ninh quốc tế cũng như một số lĩnh vực hợp tác khác mà Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc củng cố quan hệ hợp tác song phương và điều này cho thấy, chính quyền mới của Mỹ đề cao việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia châu Á. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đánh giá cao sự quan tâm của Mỹ đối với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tới việc hợp tác để đối phó với những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bà Hillary Clinton đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng và chưa có dấu hiệu chững lại.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, nền kinh tế 2 nước đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, đồng thời tin tưởng, 2 nước sẽ sớm hồi phục và cùng nhau đi đầu trong việc khôi phục thế giới, cũng như phát triển công nghệ năng lượng sạch.

Điều quan trọng là Mỹ và Trung Quốc cần thiết lập một mối quan hệ tích cực bằng cách tập trung vào những lĩnh vực hợp tác, thay vì những lĩnh vực có tranh chấp. Mỹ nhận thấy rằng, không thể tự mình giải quyết các vấn đề lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế mà không có Trung Quốc.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì chỉ rõ, số tiền trị giá gần 700 tỷ USD tại Mỹ phải là khoản đầu tư được bảo đảm an toàn. Hiện Trung Quốc đang là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Ông Dương Khiết Trì cho rằng, 2 nước đang phải đối mặt với một loạt thách thức lớn và vô cùng cấp bách. Do đó, Mỹ và Trung Quốc phải tăng cường đối thoại và trao đổi, tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác, nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Giới kinh tế cho rằng, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy một phần rất lớn nhờ xuất khẩu và Mỹ chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường nỗ lực giải quyết những đe doạ từ chương trình hạt nhân ở Iran và CHDCND Triều Tiên cũng như những vấn đề an ninh ở Afghanistan và Pakistan.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, bà Hillary Clinton cho rằng, 2 nước đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn về các vấn đề cùng quan tâm cũng như còn bất đồng.

Với tư cách là quốc gia đang phát triển lớn nhất và quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự, tài chính lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ đều cần thiết lập mối quan hệ "lâu dài, ổn định, lành mạnh và phát triển". Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí hợp tác trên nguyên tắc xây dựng một khuôn khổ "Đối thoại chiến lược và kinh tế song phương" và nó được hy vọng chính thức công bố tại cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh tế G-20 sẽ diễn ra tại London, Anh trong tháng 4 tới. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì sẽ tới Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng này.

Theo giới truyền thông, Tổng thống Barack Obama muốn nâng cấp cơ chế đối thoại chiến lược định kỳ song phương giữa hai nước, trong đó đề cập tới các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh. Hiện Trung Quốc và Mỹ có hơn 50 cơ chế đối thoại khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược và cơ chế đối thoại chiến lược được tổ chức thường niên. Giới phân tích nhận định, quan hệ Mỹ - Trung hiện đã gắn chặt với nhau tới mức "không thể tách rời".

Những thông điệp quan trọng khác

Tại những cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đề cập tới những vấn đề Mỹ quan tâm đối với từng quốc gia. Theo đó, Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, Hàn Quốc có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, còn Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới có nhiệm vụ cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo.

Ngoại trưởng Hillary Clinton từng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của châu Á - có nhiều đóng góp cho văn hóa thế giới, là một khu vực có tầm quan trọng sống còn với Mỹ hiện tại cũng như tương lai. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chuyển lời mời Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tới Washington hội đàm với Tổng thống Barack Obama ngay trong tháng 2, đã tới thăm Ban Thư ký ASEAN (Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên) cùng thông báo sẽ tham dự hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại Thái Lan vào tháng 7 tới khi đến thăm Indonesia, đã cảnh báo CHDCND Triều Tiên cần giữ đúng cam kết về chương trình hạt nhân và tránh những hành động khiêu khích khi tới thăm Hàn Quốc.

Bà Hillary Clinton nhấn mạnh, quan hệ Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ chưa được cải thiện nếu Bình Nhưỡng không nối lại đối thoại với Hàn Quốc. Ngoại trưởng Mỹ cũng yêu cầu CHDCND Triều Tiên chấm dứt ngay việc chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức bổ nhiệm ông Stephen Bosworth làm đặc phái viên Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Giới bình luận cho rằng, với chuyến công du tới Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ muốn tranh thủ người Hồi giáo để chống lại thế lực cực đoan, đồng thời coi nước này là nhịp cầu mới tới Đông Nam Á


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phong tục đón Tết ở một số nước châu Âu
Lần đầu người châu Âu đón năm mới vào ngày 1/1, bắt đầu từ đêm 31/12 năm 999 sang ngày đầu tiên của năm 1000.
31/01/2009
Xy-ri không có ý định “lấy lòng” Mỹ
Bất chấp chuyến công du “xoa dịu” của đoàn nghị sĩ cấp cao Mỹ, mối quan hệ “ông chẳng bà chuộc” giữa Mỹ và Xy-ri chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là phản ứng của Mỹ sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng, Đa-mát đang che giấu những nguyên liệu hạt nhân không được công bố.
23/02/2009
Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn với Taliban
Tân Hoa xã đưa tin, chính quyền TP Swat thuộc khu vực hành chính Malakand ở tây bắc Pakistan cho biết, Chính phủ nước này và lực lượng Taliban đã đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại thung lũng Swat.
23/02/2009
Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Mỹ
Đúng 24 giờ đêm theo giờ Hà Nội, ông Barack Obama đã chính thức đặt tay lên cuốn kinh thánh tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại trong lịch sử nước Mỹ khi lần đầu tiên nước Mỹ đón chào một tổng thống da đen.
21/01/2009