Nan giải bài toán Guantanamo
Trại Guantanamo đã trở thành một đống bùng nhùng rất khó dọn sạch |
Điều đáng nói là trong khi vai trò hỗ trợ chống khủng bố của trại Guantanamo vẫn khó có thể được đánh giá một cách đầy đủ thì những tai tiếng mà nó gây ra lại quá nhiều. Những cáo buộc ngược đãi tù nhân tại đây và tại Iraq cùng nhiều cơ sở khác do Mỹ quản lý đã góp phần làm xói mòn uy tín của chính quyền Tổng thống Bush. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã bày tỏ sự lo ngại rằng hoạt động của Guantanamo vi phạm công ước Geneve về tù nhân.
Nhiều nghi phạm đã bị giam giữ không qua xét xử tại Guantanamo kể từ khi trại tù này mới được lập. Tình trạng tồi tệ ở đây đã dẫn tới nhiều vụ tự tử và tuyệt thực. Thế nên, đóng cửa trại Guantanamo đã được đề cập đến nhiều lần dưới thời Tổng thống Bush.
Nhưng việc đóng cửa Guantanamo là không dễ, nhất là tìm “nơi ở mới” cho khoảng 250 tù nhân ở đây. Nếu đưa tất cả những tù nhân này vào bên trong nước Mỹ, người ta lo ngại rằng nguy cơ khủng bố tấn công vào nội địa Mỹ sẽ tăng lên.
Mặt khác, việc phóng thích các tù nhân đã mãn hạn cũng là bài toán khó, bởi nhiều người trong số đó không muốn trở về quê hương do lo ngại họ sẽ bị xét xử lần nữa. Nước Mỹ hiển nhiên rất khó dung nạp những người từng bị họ buộc tội khủng bố. Còn thuyết phục nước khác tiếp nhận giùm cũng chẳng hề đơn giản.
Trước đây, khi khả năng đóng cửa Guantanamo được đưa ra, chỉ mới có quốc gia Albania ở châu Âu lên tiếng sẵn sàng tiếp nhận tù nhân mãn hạn. Số phận trại tù Guantanamo vì thế cứ lơ lửng dưới thời ông Bush. Chuyện này cũng tương tự như hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq vậy: kết thúc nan giải vạn lần so với khởi xướng.
Giờ đây, với khẩu hiệu “Thay đổi”, Tổng thống đắc cử Barack Obama đang quyết tâm chấm dứt số phận ngắn ngủi nhưng đầy tai tiếng của trại Guantanamo. Theo BBC, tuần qua, giới chức Lầu Năm Góc cho biết đã thành lập nhóm đặc trách thảo kế hoạch đóng cửa Guantanamo, một trong những công tác chuẩn bị cho tiến trình tiếp nhận quyền lực của ông Obama. Ông Obama trước đây từng tuyên bố ý định đóng cửa trại tù này trong vòng hai năm.
Một tín hiệu thuận lợi cho kế hoạch này là mới đây Bồ Đào Nha đã đồng ý tiếp nhận một số tù nhân mãn hạn và kêu gọi các thành viên khác của EU hưởng ứng. Hôm qua, Đức cũng đã đề cập khả năng sẽ theo chân Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc giam giữ và xét xử như thế nào đối với những nghi phạm chưa được phóng thích, trong đó có những kẻ bị cáo buộc liên quan tới vụ 11.9.2001, vẫn là vấn đề hết sức nan giải và phức tạp. Nó có thể đòi hỏi ông Obama, Bộ Tư pháp và có thể cả Quốc hội Mỹ phải thành lập một hành lang pháp lý mới.
Ý kiến bạn đọc