English | Tiếng Việt
Thứ 7, 18/01/2025, 03:51

Dấu mốc lịch sử nâng cao vị thế của ASEAN

07:45, 17/12/2008

Ngày 15-12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) lần thứ 14 tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia) vui mừng chào đón Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực. Ðây là một sự kiện quan trọng, là bước ngoặt lịch sử của Hiệp hội trong 41 năm hình thành và phát triển.


Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 ở Singapore tháng 11-2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký bản Hiến chương ASEAN gồm Lời nói đầu và 13 chương, 55 điều, với các nội dung lần lượt là: Mục đích - Nguyên tắc hoạt động; Tư cách pháp nhân; Quy chế thành viên; Cơ cấu tổ chức; Các thể chế liên quan ASEAN; Các ưu đãi miễn trừ; Ra quyết định; Giải quyết tranh chấp; Tài chính - Ngân sách; Các vấn đề hành chính - thủ tục; Biểu trưng và biểu tượng; Quan hệ đối ngoại và các điều khoản chung. Về mục đích, nguyên tắc, chương I Hiến chương khẳng định lại các mục đích và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là mục đích hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác khu vực cũng như nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của nhau; đồng thời bổ sung một số mục đích và nguyên tắc mới phù hợp tình hình, trong đó có những mục tiêu về liên kết ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng về nhân dân và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, có nguyên tắc về việc các nước không tham gia và không cho phép bất kỳ quốc gia, đối tượng nào được sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên để chống lại một nước thành viên khác. Chương II của Hiến chương quy định, ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ và có tư cách pháp nhân. Về cơ cấu tổ chức, Chương IV Hiến chương nêu rõ: Bộ máy chính sẽ bao gồm Hội nghị cấp cao (là cơ quan quyết định chính sách cao nhất, họp hai lần một năm thay vì mỗi năm một lần trước đây); lập bốn hội đồng cấp bộ trưởng, trong đó ba hội đồng về từng trụ cột của Cộng đồng ASEAN (gồm chính trị - an ninh; kinh tế và văn hóa-xã hội) và một hội đồng điều phối chung (gồm các bộ trưởng ngoại giao); các hội nghị bộ trưởng chuyên ngành; Ủy ban các đại diện thường trực của các nước tại ASEAN, thường trú tại Jakarta, Indonesia; Ban Thư ký ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN; Ban Thư ký ASEAN quốc gia. Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ lập Cơ quan nhân quyền ASEAN và quy định cơ quan này sẽ phải hoạt động phù hợp điều khoản tham chiếu (TOR) do các bộ trưởng ngoại giao quyết định sau, trong đó xác định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc của cơ quan này. Về cách thức ra quyết định, Chương VII Hiến chương ASEAN quy định nguyên tắc chủ đạo là đồng thuận; khi không đạt được đồng thuận, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ quyết định về cách thức ra quyết định phù hợp. Về thực thi các quyết định trong lĩnh vực kinh tế, có thể áp dụng công thức linh hoạt ASEAN-X, theo đó sẽ cho phép các nước có điều kiện, thực hiện việc mở cửa kinh tế, thị trường trước, nhưng phải trên cơ sở có đồng thuận về việc áp dụng phương thức đó. Chương VIII của Hiến chương nêu rõ, các nước ASEAN giải quyết tranh chấp, bất đồng theo nguyên tắc hòa bình, thông qua thương lượng dựa trên các thỏa thuận đã có của ASEAN. Trường hợp bất đồng không giải quyết được hoặc có vi phạm nghiêm trọng Hiến chương, vấn đề sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao quyết định.

Hiến chương ASEAN ra đời và có hiệu lực là một quá trình phấn đấu bền bỉ của các nước trong Hiệp hội, là một nhu cầu khách quan, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước ASEAN, về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên. Khởi đầu từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 năm 2004, khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí xây dựng bản Hiến chương ASEAN, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 (năm 2005), ASEAN đã đề ra các nguyên tắc chỉ đạo cho việc xây dựng Hiến chương và quyết định lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) để tư vấn cho việc xây dựng Hiến chương. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 (năm 2007), lãnh đạo các nước ASEAN đã ký thông qua Hiến chương ASEAN và ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hoàn tất việc phê chuẩn Hiến chương trong vòng một năm. Hiến chương ASEAN tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho Hiệp hội gia tăng liên kết khu vực, trước hết là thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. 

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động, bản Hiến chương ASEAN có hiệu lực là đòn bẩy để các nước trong khối hướng tới mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn, trên cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm hướng tới mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên. Hiến chương ASEAN sẽ nâng cao hình ảnh và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thái Lan: Ban bố tình trạng khẩn cấp tại hai sân bay ở Bangkok
Trước những diễn biến ngày càng căng thẳng do cuộc biểu tình của những người ủng hộ Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) đối lập gây ra tại Thủ đô Bangkok, chiều ngày 27/11, Chính phủ Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Muang, đồng thời cân nhắc khả năng hoãn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
28/11/2008
Sân bay Bangkok tê liệt do biểu tình
Khoảng 3.000 hành khách đang mắc kẹt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi Bangkok, sau khi người biểu tình chống chinh phủ Thái Lan tràn vào phi trường từ tối qua.
27/11/2008
Giáo dục lòng nhân ái: Không chỉ gói trong giờ đạo đức
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cùng quỹ Unilever Việt nam và nhãn hàng Omo tổ chức hội thảo “Học nhân ái, biết sẻ chia”.
27/11/2008
Thái-lan: Sân bay thứ hai ở Băng-cốc tê liệt
Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái-lan hôm nay, 27-11, đã buộc sân bay thứ hai ở Băng-cốc là Don Mueang phải đóng cửa.
27/11/2008