Thái-lan: Sân bay thứ hai ở Băng-cốc tê liệt

13:39, 27/11/2008

Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái-lan hôm nay, 27-11, đã buộc sân bay thứ hai ở Băng-cốc là Don Mueang phải đóng cửa.


Những người ủng hộ phe đối lập phong tỏa nhà ga nhằm ngăn chặn các quan chức bay tới Chiang Mai gặp Thủ tướng Somchai Wongsawat. Chuyên cơ chở ông từ Hội nghị APEC ở Peru về Thái-lan tối qua đã không thể hạ cánh xuống Băng-cốc như dự định ban đầu do người biểu tình đã chiếm giữ sân bay Suvarnabhumi - một trong những sân bay hoạt động nhộn nhịp nhất ở châu Á.

Thái-lan lâm vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị đảo chính quân sự năm 2006.

Cuộc bầu cử mới được tổ chức vào cuối năm 2007 đã không tháo gỡ được bế tắc, khi đảng của các đồng minh cũ của ông Thaksin quay trở lại cầm quyền.

Hôm qua, Thủ tướng Somchai đã bác bỏ lời kêu gọi tổ chức bầu cử mới của Tổng chỉ huy quân đội Thái-lan, Tướng Anupong Paochinda, mà theo ông này là để chấm dứt bế tắc chính trị.

Lời kêu gọi của tướng Anupong càng làm tăng thêm suy đoán cho rằng, có thể sắp xảy ra một cuộc đảo chính quân sự khác.

Tuy nhiên, Tướng Anupong đã bác bỏ và nói rằng chính phủ vẫn nắm "toàn quyền".

Trong bài phát biểu trên truyền hình kéo dài 10 phút vào tối qua, ông Somchai khẳng định sẽ tiếp tục cương vị lãnh đạo và chính phủ của ông là hợp pháp. Ông lên án PAD đã ép buộc ông từ chức và gây ra những thiệt hại to lớn cho đất nước.

Ông Somchai yêu cầu những người biểu tình rời khỏi sân bay Suvarnabhumi và tòa nhà chính phủ, bị những người biểu tình của PAD chiếm giữ từ 26-8. Ông nói rằng, sự việc không chỉ gây thiệt hại cho chính phủ mà còn gây thiệt hại cho giới doanh nghiệp nước ngoài và du khách.

Tòa án Thái-lan cũng đã ra lệnh cho những người biểu tình chiếm giữ sân bay Suvarnabhumi phải rút đi.

Tuy nhiên, những người biểu tình thuộc lực lượng PAD tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại cho đến khi nào chính phủ từ chức. Họ mang theo lương thực, chăn, chiếu vào sân bay và dường như sẽ trụ lại lâu dài.

Biểu tình khiến toàn bộ các chuyến bay ở hai sân bay quốc tế lớn của thủ đô Băng-cốc phải hủy và hàng ngàn du khách trong và ngoài nước mắc kẹt. Hành khách được đưa tới khách sạn cho tới khi sân bay hoạt động trở lại.

Chiến dịch biểu tình do PAD tổ chức từ đầu tháng năm đã khiến chính quyền bị tê liệt. PAD còn cáo buộc chính phủ là “bù nhìn” của ông Thaksin, người vẫn có uy tín đối với người nghèo ở nông thôn Thái-lan.

Diến biến cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái-lan

- 9-2006: Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

- 2-2008: Ông Samak Sundaravej tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng

- 9-2008: Những người biểu tình kêu gọi ông Samak từ chức và nói rằng ông là “bù nhìn” của ông Thaksin.

- 9-9: Ông Samak bị Tòa án Hiến pháp bãi bỏ chức Thủ tướng vì vi phạm hiến pháp. Ông Somchai Wongsawat - em rể của cựu Thủ tướng Thaksin- lên làm Thủ tướng.

- 10- 2008: Ông Thaksin bị kết án hai năm tù vắng mặt vì tội tham nhũng.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giáo dục lòng nhân ái: Không chỉ gói trong giờ đạo đức
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cùng quỹ Unilever Việt nam và nhãn hàng Omo tổ chức hội thảo “Học nhân ái, biết sẻ chia”.
27/11/2008
Sân bay Bangkok tê liệt do biểu tình
Khoảng 3.000 hành khách đang mắc kẹt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi Bangkok, sau khi người biểu tình chống chinh phủ Thái Lan tràn vào phi trường từ tối qua.
27/11/2008
Chính phủ Thái Lan rút vào hoạt động bí mật
Nội các Thái Lan hôm nay khẳng định họ vẫn làm việc bình thường, nhưng nhất quyết không tiết lộ địa điểm các quan chức ngồi, để có thể né những người biểu tình đang thề vô hiệu hóa chính phủ.
26/11/2008
Hàn Quốc thuê đất của Madagascar để trồng lương thực
Việc một tập đoàn của Hàn Quốc vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận thuê gần nửa diện tích đất canh tác của đảo Madagascar trong vòng 99 năm để trông ngô và cọ, đang làm dấy lên những ý kiến khác nhau về khía cạnh đạo đức của đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp ở những nước giàu đất nhưng vẫn nghèo lương thực.
25/11/2008