Hàn Quốc thuê đất của Madagascar để trồng lương thực
Việc một tập đoàn của Hàn Quốc vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận thuê gần nửa diện tích đất canh tác của đảo Madagascar trong vòng 99 năm để trông ngô và cọ, đang làm dấy lên những ý kiến khác nhau về khía cạnh đạo đức của đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp ở những nước giàu đất nhưng vẫn nghèo lương thực.
Ruộng bậc thang ở Madagascar |
Ông Shin cho biết, dự án sẽ cần khoảng 6 tỷ USD trong 25 năm đầu và hiện được rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm.
Dự án đặt mục tiêu trong vòng 15 năm tới sẽ đạt sản lượng 5,5 triệu tấn ngô/năm, ông Shin nói. Hàn Quốc vẫn thường phải nhập khẩu 11 triệu tấn ngô mỗi năm, chủ yếu từ Mỹ, ông Shin cho biết.
Theo lời ông Hong Jong-wan, Giám đốc tập đoàn, phát biểu với tờ Thời báo Tài chính của Anh, dự án hoàn toàn chỉ thuê những vùng đất chưa được khai thác của Madagascar, nơi dân cư thưa thớt, đường sá và hệ thống thủy lợi đều chưa có. Đất sẽ được thuê với giá khoảng 3 USD/1.000m2/năm, chỉ bằng một phần nhỏ so với giá ở Hàn Quốc.
Kế hoạch kinh doanh của tập đoàn là dùng ngô để chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho Hàn Quốc cũng như xuất khẩu sang Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc.
Tập đoàn sẽ sử dụng chuyên gia nông nghiệp của các nước Nam Mỹ và Nam Phi, nhưng lao động chủ yếu là người dân đảo.
20 triệu người Madagascar (tương đương 70% dân số) ở hòn đảo lớn thứ tư thế giới này hiện sống dưới mức nghèo khổ. Họ phụ thuộc rất nhiều vào Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ do đảo thường xuyên hứng chịu lốc xoáy và hạn hán. Chính vì tình trạng đói lương thực hiện nay của Madagascar mà người ta buộc phải đặt câu hỏi, như vậy liệu có đạo đức không khi hàng trăm tấn lương thực được trồng tại đây rồi lại bị đem đi khỏi đây. “Nếu thế giới lại khủng hoảng lương thực, và các nước nghèo trở thành nơi các nhà đầu tư nước ngoài đến để canh tác rồi thu hoạch và chở đi, thì đó chính là vấn đề phức tạp về mặt đạo đức và chính trị,” ông David Hallam, giám đốc Cơ quan chính sách thương mại của FAO ở Rome, nói.
Tình huống khó xử về mặt đạo đức này cũng không ngăn nổi các nhà đầu tư kéo đến châu Phi để khai thác tiềm năng về nông nghiệp của châu lục này. Hai năm qua, một số công ty châu Âu đã thuê đất ở Ethiopia, Mozambique và Tanzania để trồng cây lương thực và cây cung cấp nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học (mặc dù còn lâu mới sánh kịp dự án của Daewoo về quy mô).
Sự màu mỡ của châu Phi đang vô cùng hấp dẫn các nước nhiều dầu mỏ nhưng đất đai lại cằn cỗi, như các nước Vùng Vịnh, khiến họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu. Giới phân tích nhận định, các nước Vùng Vịnh vẫn rất dư vốn đầu tư, và giờ đây, khi nhiều địa chỉ đầu tư quen thuộc đang lâm vào khủng hoảng thì họ bèn hướng đến châu Phi. Mặc dù Hàn Quốc và các nước Vùng Vịnh thừa tiền để mua thực phẩm nhập khẩu, nhưng những biến động trên thị trường thực phẩm toàn cầu hiện nay khiến họ phải nghĩ nhiều hơn đến việc tự bảo đảm nguồn cung cho mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính phủ Madagascar đã khôn ngoan khi ký kết hợp đồng với tập đoàn của Hàn Quốc vì dự án sẽ đổ tiền vào đây để xây cảng, đường sá, nhà máy điện và hệ thống thủy lợi. Ngoài ra, như ông Shin nói, dự án sẽ đem lại hơn 70 nghìn việc làm cho người dân đảo, mà nhờ vậy, người dân Madagascar có thể kiếm được tiền để mua thực phẩm, dù đó là thực phẩm nhập khẩu.
Ý kiến bạn đọc