Giáo dục lòng nhân ái: Không chỉ gói trong giờ đạo đức
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cùng quỹ Unilever Việt nam và nhãn hàng Omo tổ chức hội thảo “Học nhân ái, biết sẻ chia”.
Nhà tâm lý học Đinh Phương Duy (Chủ tịch Hội Tâm lý học TP Hồ Chí Minh) đưa ra thông báo thực trạng đạo đức của một bộ phận trẻ em hiện nay: Sống khép kín, thiếu cởi mở, hoà đồng; ích kỷ, không quan tâm đến những người xung quanh; ỷ lại, lúc nào cũng muốn mình ở vị trí trung tâm, được thỏa mãn mọi yêu cầu; giải quyết vấn đề theo kiểu “mạnh được, yếu thua”, tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng…
Nhiều giáo viên bày tỏ sự đồng cảm về việc cần thiết nâng cao chất lượng môn đạo đức cho HS trong nhà trường cũng như chia sẻ những khó khăn của mình trong việc dạy môn này.
Chẳng hạn nội dung chương trình SGK còn cứng nhắc, chưa phù hợp với từng đối tượng HS cụ thể; nền kinh tế thị trường, tiến trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi; nếp sống của một số gia đình… ảnh hưởng không nhỏ tới việc giáo dục lòng nhân ái của các em HS.
Từ những băn khoăn này, một chuyên viên Vụ GD Tiểu học chia sẻ bài học về phương pháp dạy học môn đạo đức từ mô hình tổ chức sân chơi vận động vì sự phát triển toàn diện của HS tiểu học mà Vụ này đang triển khai (với sự tài trợ của Quỹ Unilever Việt Nam).
Theo đó, phương pháp học tập tốt nhất với trẻ em chính là học đi đôi với hành, được học theo cách trải nghiệm, học thông qua vui chơi, giải trí.
Còn ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD & ĐT khẳng định Bộ GD&ĐT không quan niệm nội dung SGK là bất biến như cách hiểu của nhiều GV. Từ thực tiễn yêu cầu dạy học của chính mình, GV có thể thay đổi linh hoạt nội dung, phương pháp giảng dạy miễn sao đạt mục tiêu cuối cùng mà chương trình đặt ra.
Ý kiến bạn đọc