Chính trường Mỹ những ngày cận kề bầu cử
Có vẻ thượng nghị sĩ John McCain đã gần bắt kịp ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama, khi thăm dò dư luận của Reuters hôm 26.10 cho thấy ông Obama dẫn trước 5 điểm (49% so với 44%), tức ông McCain đã thu hẹp khoảng cách đáng kể.
Cuộc chạy đua giữa McCain và Obama vẫn quyết liệt đến giờ chót. |
Vào cuối tuần qua và những ngày tới, hai ứng viên tranh nhau từng phiếu đại cử tri ở các bang được xem là lưng chừng, là những bang có thể quyết định ai sẽ thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Thế bất lợi nằm ở phía liên danh McCain-Palin vì đây là những bang mà trong cuộc bầu cử năm 2004 đã dành phiếu bầu cho Tổng thống George W.Bush của đảng Cộng hòa. Thế mà nay, ứng viên Dân chủ đang tỏ ra có ưu thế. Ngày 26.10, ông Obama đã thu hút được một lượng cử tri đông đảo của bang Colorado đến nghe ông nói chuyện. Theo ước lượng của cảnh sát thì khoảng 100.000 người tập trung tại Công viên Civic Center ở Denver để ủng hộ ông Obama. Đây là số người kỷ lục trong một buổi nói chuyện của ứng viên. Điều đó nói lên sức hấp dẫn của tuổi trẻ và đổi mới đối với cử tri Mỹ, nhất là bang Colorado chỉ có hơn 5 triệu dân. Sau đó, tại miền bắc Colorado, một cuộc tập hợp khác với khoảng 45.000 cử tri cũng tỏ thái độ hậu thuẫn đảng Dân chủ. Ông Obama hùng hồn tuyên bố "thời gian đã hết", hàm ý không còn cơ hội cho đối thủ giành lại cử tri vì chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Trong khi đó, cũng trong ngày 26.10, ông McCain nói chuyện tại 2 địa điểm ở bang Iowa, trước một cử tọa "khiêm tốn" hơn, với chỉ 2.000 người và sau đó là 5.000 người. "Chiêu" của ông McCain là cứ nhắc cử tri lưu tâm đến thuế khóa và chi tiêu, hai vấn đề mà ông tập trung chỉ trích đối phương. Ông McCain lại bị thêm một vố đau từ người đồng viện cùng bang Arizona và cũng là đảng viên Cộng hòa, thượng nghị sĩ Jon Kyl. Trả lời phỏng vấn của báo Arizona Daily Star số ra ngày 26.10, ông Kyl nói: "Thật bất hạnh, tôi nghĩ John McCain có thể chỉ nối dài thêm danh sách những người Arizona tranh cử tổng thống mà không được bầu”.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trong mấy ngày qua, liên danh McCain-Palin đã thu hẹp chênh lệch đáng kể và chắc chắn, cuộc đua sẽ còn nhiều bất ngờ.
Cuộc đua giành quyền kiểm soát quốc hội
Do cuộc đối đầu giữa 2 liên danh tranh cử tổng thống và phó tổng thống kỳ này quá hấp dẫn nên dư luận không chú ý lắm đến cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện.
Ngày 4.11 tới, ngoài việc bầu tổng thống và phó tổng thống, cử tri Mỹ còn bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ viện, 1/3 số thượng nghị sĩ cùng một số thống đốc bang. Cư dân địa phương còn bầu các đại biểu của cơ quan lập pháp bang, nghị viên hội đồng thành phố... Trong đó, cuộc đua giành thế áp đảo ở Thượng viện là quan trọng hơn cả, mà những dự báo cho thấy, đảng Dân chủ đang cố giành cho được 60 trên tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ.
Tại sao là 60? Đó là một đa số rất quan trọng. Theo hiến định, các thượng nghị sĩ Mỹ có quyền phát biểu "liên tu bất tận". Đó là quyền "filibuster", tức là quyền nói liên miên và được xem là chiến thuật mà phe thiểu số thường sử dụng để ngăn cản việc đưa ra biểu quyết một dự luật nào đó mà họ không muốn. Chủ tọa phiên họp ở Thượng viện chỉ có thể chấm dứt cuộc thảo luận một khi có đủ túc số 60 thượng nghị sĩ đồng ý. Vì vậy, bất cứ một dự luật nào khi đưa ra Thượng viện biểu quyết mà có hơn 40 thượng nghị sĩ chống đối thì kể như không thể đưa ra biểu quyết được.
Hiện nay, cả hai đảng đều có số thượng nghị sĩ ngang nhau là 49 người. Có 2 vị đứng độc lập nhưng thường ủng hộ cho phe Dân chủ. Mục tiêu kỳ này của đảng Dân chủ là giành thêm 11 ghế, hay chí ít cũng 9 ghế nữa thì mới có được đa số mong muốn. Trong số 35 ghế Thượng nghị sĩ được bầu kỳ này, đảng Cộng hòa phải bảo vệ đến 23 ghế, trong khi đảng Dân chủ thảnh thơi hơn khi chỉ phải bảo vệ 12 ghế.
Về phía Hạ viện, hiện đảng Dân chủ chiếm 235 ghế so với 199 ghế của đảng Cộng hòa (Hạ viện khuyết 1 ghế). Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi dự đoán là sau ngày 4.11, đảng Dân chủ sẽ có thêm ít nhất 14 ghế dân biểu. Vậy, nếu ông Obama thắng, thì cả hành pháp và lập pháp đều nằm trong tay Dân chủ. Còn nếu ông McCain đắc cử thì sẽ có tình trạng mà báo giới Mỹ nói là Mỹ có thể có một tổng thống "vịt què", ý nói là sẽ bị nhiều cản ngại khi ngành lập pháp lại nằm trong tay đảng Dân chủ, trong khi điều hành Nhà Trắng là một nhân vật Cộng hòa.
Ý kiến bạn đọc