Niềm hy vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông
08:10, 19/09/2008
Cuộc đua tranh chiếc ghế Chủ tịch đảng Ca-đi-ma cầm quyền ở I-xra-en giữa nữ Ngoại trưởng I-xra-en Díp-pi Líp-ni và Bộ trưởng Giao thông Sa-un Mô-phát đã kết thúc với chiến thắng thuộc về bà Líp-ni, người giành được 43,1% số phiếu ủng hộ của đảng, hơn ông Mô-phát chỉ 1,1%.
Bà Líp-ni. |
Cuộc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đảng Ca-đi-ma diễn ra khi vị thế của đảng này trên chính trường khốc liệt ở I-xra-en đang bị lung lay. Sau khi cựu Thủ tướng A-ri-en Sa-rôn bị đột quỵ đầu năm 2006, cả chức vụ chủ tịch đảng lẫn chức thủ tướng được trao cho cấp phó Ê-hút Ôn-mớt. Lên nắm quyền điều hành đất nước, ông Ôn-mớt đã phát động cuộc chiến kéo dài 34 ngày ở Li-băng năm 2006 nhưng không giành được chiến thắng. Ông bị phe đối lập cáo buộc xử trí không tốt tình huống gây thiệt hại lớn về người và của. Ông Ôn-mớt đã vượt qua những cáo buộc trên và giữ vững chiếc ghế Thủ tướng trong khi người chỉ huy quân đội đã phải từ chức thay ông. Thế nhưng, ông lại không thể thoát ra khỏi những lời tố cáo về tham nhũng liên quan tới thời ông giữ các cương vị khác nhau trước khi làm thủ tướng đã buộc phải “ra đi”…
Việc bà Líp-ni trở thành chủ tịch đảng cầm quyền và sẽ thay thế Thủ tướng Ôn-mớt đáp ứng được đòi hỏi của cử tri I-xra-en, đó là bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm sự trong sạch trong đảng cầm quyền. Bà Líp-ni xuất thân trong một gia đình có vai vế trong xã hội, có hồ sơ lý lịch trong sạch và chưa hề dính dáng đến bất cứ một vụ tham nhũng nào. Bà cũng là người có quan điểm ôn hòa, dễ tiếp cận, nhưng trực tính.
Đa số thành viên đảng Ca-đi-ma đều cho rằng, lựa chọn ông Mô-phát sẽ tạo ra “cánh cửa hẹp” cho tiến trình hòa bình Trung Đông vì ông là người có quan điểm cứng rắn. Nếu ông Mô-phát thắng cử, có khả năng ông sẽ thay đổi chính sách với Pa-le-xtin, do đó điều kiện đàm phán sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó bà Líp-ni được xem là người ôn hòa khi giải quyết các vấn đề liên quan tới người Pa-le-xtin và trong quan hệ với I-ran. Bà ủng hộ rút quân khỏi hầu hết những khu vực chiếm đóng tại Bờ Tây để đi tới một thỏa thuận hai quốc gia với Pa-le-xtin.
Bà Líp-ni sẽ là nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử I-xra-en, sau cố Thủ tướng Gôn-đa Mê-i. Nhiệm vụ trước mắt của bà lúc này là đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh gồm 61 thành viên Quốc hội và kế nhiệm Thủ tướng Ôn-mớt trong 42 ngày tới. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi hiện nay, tại Quốc hội, đảng Ca-đi-ma chỉ chiếm 29 ghế. 91 ghế còn lại thuộc về Công đảng, đảng Li-cút và một số đảng nhỏ khác. Nếu không thành lập được chính phủ liên minh, một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức vào đầu năm 2009 mà tại đó, khả năng giành thắng lợi nghiêng về thủ lĩnh đảng bảo thủ Li-cút, cựu Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ny-a-hu.
Về lâu dài, dư luận I-xra-en cũng như Pa-le-xtin mong chờ đó là sự tham gia tích cực hơn nữa của bà Líp-ni trong tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đang có nguy cơ đình trệ bởi sự ra đi của ông Ôn-mớt. Cuộc đàm phán hòa bình với Xy-ri có thể trở thành hiện thực hay không cũng còn tùy thuộc vào nhà lãnh đạo mới của I-xra-en. Và người ta đang hy vọng rằng, bà Líp-ni sẽ tiếp tục duy trì chính sách của ông Ôn-mớt.
Quân đội nhân dân
Ý kiến bạn đọc