Những thách thức đối với Tổng thống mới của Pakistan

07:44, 17/09/2008

Ông A.A.Zadari 55 tuổi, người thuộc đảng Nhân dân Pakistan-PPP, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Pakistan ngày 9-9 vừa qua. Ông cam kết sẽ trung thành với đất nước và nhân dân Pakistan.


Ðứng đầu Nhà nước Pakistan là một nhân vật xuất thân không từ quân đội, về hình thức đã đưa nền chính trị nước này trở lại với một chính thể dân sự, nhưng lại thừa hưởng một vị trí Tổng thống đầy quyền lực được ông P.Musharraf thiết lập trong gần chín năm cầm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999.

Sự nghiệp chính trị của ông A.A.Zadari khởi đầu từ năm 1987, khi ông được mẹ của bà B.B.Bhuto chọn làm con rể, trẻ hơn cô dâu hai tuổi.

Ông hai lần trúng nghị sĩ QH (năm 1990 đến 1993 và năm 1993 đến 1996). Ông làm Bộ trưởng Môi trường (1993-1995) và Bộ trưởng Ðầu tư (1995-1996) trong Chính phủ của cựu Thủ tướng B.B.Bhuto.

Trong thời gian làm bộ trưởng, ông bị cáo buộc nhiều tội danh, trong đó có tham nhũng và sát nhân. Ông bị tống giam 11 năm, nhưng chưa bị Tòa án xét xử.

Năm 2007, ông A.A.Zadari được Tổng thống P.Musharraf ân xá tha bổng. Vì những liên đới cáo buộc tham nhũng của ông A.A.Zadari bà B.B.Bhuto phải hầu tòa, chịu án tám năm lưu đày.

Vụ ám sát bà B.B.Bhuto tháng 12-2007, đã đưa ông A.A.Zadari vào bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị. Ông được bầu giữ chức đồng Chủ tịch PPP cùng đồng Chủ tịch khác là B.B.Bhuto 20 tuổi (là con trai cả bà B.B.Bhuto và ông A.A.Zadari).

Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 2 vừa qua, PPP giành nhiều ghế nhất tại QH (121 trên bầu 272 ghế Hạ viện), chưa đủ quá bán để thành lập chính phủ. PPP liên minh với Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N-có 91 ghế tại QH) và hai đảng nhỏ khác thành lập Chính phủ liên hiệp để cùng thực hiện mục tiêu chung, hạ bệ Tổng thống P.Musharraf.

Cùng trong liên minh cầm quyền nhưng ba mâu thuẫn chính giữa PPP và PML-N  đã làm tan vỡ liên minh cuối tháng 8 vừa qua.

Chủ tịch PML-N N.Sharif đòi vị Tổng thống mới của Pakistan là người có uy tín nhưng không tham gia đảng phái; phục chức cho 60 thẩm phán, trong đó có Chánh án Tòa án Tối cao Chaudari và tương lai số phận cựu Tổng thống P.Musharraf. Ðồng Chủ tịch PPP không thể chấp nhận ba đòi hỏi trên của PML-N. PPP đang có lợi thế trên chính trường muốn nắm trọn các vị trí chủ chốt của bộ máy Nhà nước như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch QH.

Việc phục chức cho các thẩm phán, trong đó có Chánh án Tòa án Tối cao M.Chauderi là mạo hiểm với ông A.A.Zadari, vì các thẩm phán có thể xét lại hồ sơ cáo buộc tham nhũng của ông. Việc quyết định "mạnh tay" với ông P.Musharraf là điều ông A.A.Zadari không hề muốn vì ít nhiều chính quyền thời ông P.Musharraf từng đã "nhẹ tay" với ông. Còn với ông N.Sharif là "kẻ thù không đội trời chung vì bị ông P.Musharraf lật đổ.

Thành lập nước năm 1947 và sau khi phân chia Tây Hồi quốc thành Pakistan và Ðông Hồi quốc thành Bangladesh năm 1971 đến nay, không kể thời gian giới quân sự điều hành đất nước, chính trường Pakistan luôn trong tình trạng bất ổn do các cuộc quyết đấu giữa PPP và PML-N.

PPP nắm quyền từ năm 1973 đến 1977; từ ngày 18-7-1993 đến 5-11-1996 và từ ngày 2-12-1988 đến 6-8-1990. PML-N nắm quyền từ ngày 1-11-1990 đến 18-7-1993 và từ ngày 17-2-1997 đến 12-10-1999.

Trước khi nhậm chức, ông A.A.Zadari đề nghị PML-N tham gia Chính phủ liên hiệp nhưng ông N.Sharif tuyên bố không liên minh với PPP, PML-N đứng ở phái đối lập để đấu tranh với PPP.

Dư luận nhận xét, do ông P.Musharraf phải từ chức, Liên đoàn Hồi giáo ủng hộ ông PML-Q bị thất thế trên chính trường. Thế chân vạc chính trị giữa ba đảng PPP-PML-N và PML-Q đã chuyển sang cuộc đấu tay đôi giữa PPP của ông A.A.Zadari và PML-N của ông N.Sharif.

Hiện PPP đang có nhiều lợi thế, nhưng kinh nghiệm chính trường của ông N.Sharif có bề dày và trải nghiệm hơn so với ông A.A.Zadari.

Gánh trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước đang tơi tả vì tranh giành quyền lực, khủng bố, bạo lực, chia rẽ, hận thù, khó khăn kinh tế...

Tổng thống A.A.Zadari phải vật lộn với những vấn đề hóc búa của đường lối đối nội, đối ngoại để đưa Pakistan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đang diễn ra.

Tổng thống A.A.Zadari tuyên bố sẽ tiến hành chính sách: hòa giải dân tộc; chống khủng bố; kiến tạo hòa bình; tăng cường luật pháp; tạo lập dân chủ; tăng cường quyền lực cho QH; phát triển kinh tế; hợp tác chặt chẽ với đối tác nước ngoài giúp giải quyết các vấn đề đặt ra của Pakistan.

Tham gia trong liên minh chống khủng bố, với vị trí tiền tiêu, Pakistan gặt hái được thành công ít ỏi (nếu không nói là thất bại) ngay tại lãnh thổ nước này. Al Qaeda, Taliban, các lực lượng Hồi giáo cực đoan ủng hộ Taliban mở rộng hoạt động tại Pakistan, đánh bom, ám sát gây thiệt hại lớn cho Islamabad.

Mâu thuẫn trong cuộc chiến chống khủng bố giữa Pakistan và phương Tây nảy sinh, mâu thuẫn giữa Pakistan và Afghanistan xuất hiện. Tân Tổng thống A.A.Zadari khẳng định, quyết tâm tiêu diệt các phần tử cực đoan, trong đó có những kẻ đã ám sát vợ ông, cựu Thủ tướng B.B.Bhuto.

Mới đây Tổng thống Mỹ G.Bush đã bí mật phê chuẩn các mệnh lệnh lần đầu tiên cho phép các lực lượng "chiến dịch đặc biệt của Mỹ" tiến hành các cuộc tiến công trên bộ bên trong lãnh thổ Pakistan  không có sự đồng ý trước của nước này vì Mỹ cho rằng Pakistan  thiếu quyết tâm và khả năng chống lại những phần tử này.

Tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng P.Kayani phản bác, toàn vẹn lãnh thổ Pakistan phải được bảo vệ bằng mọi giá và không một lực lượng quân sự nước ngoài nào được phép chỉ huy các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Pakistan.

Tuần qua, xảy ra bốn vụ tiến công của binh sĩ Mỹ vào đất Pakistan làm nhiều dân thường chết, phe đối lập và dân chúng đòi Chính phủ nước này nhanh chóng rút khỏi liên minh chống khủng bố.

Ở thời điểm đầy thách thức, ông A.A.Zadari đang tìm cách làm dịu sân khấu chính trị đối đầu căng thẳng, cân bằng những đòi hỏi của Mỹ và phương Tây (những nước đang cấp hàng tỷ USD viện trợ), dung hòa với quân đội đầy quyền lực và thái độ phản đối Mỹ và phương Tây của dân chúng. Vực dậy nền kinh tế Pakistan đang trên đà suy sụp.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

SCO ủng hộ vai trò tích cực của Nga trong khu vực
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), diễn ra ở thủ đô Dushanbe của Tagikistan, các nước thành viên SCO quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng tại khu vực Nam Ossetia thuộc Gruzia và ủng hộ vai trò tích cực của Nga trong củng cố hòa bình ở khu vực này.
29/08/2008
Chưa có lối thoát cho khủng hoảng chính trị Thái-lan
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái-lan những ngày này vẫn chưa có lối thoát. Hàng chục nghìn người thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) vẫn tập trung biểu tình tại tòa nhà Chính phủ, gây sức ép buộc Chính phủ và Thủ tướng phải từ chức.
29/08/2008
Dư luận quốc tế kêu gọi giải quyết xung đột Nga-Gru-di-a bằng đối thoại
Trước những lời cáo buộc của chính quyền một số nước phương Tây về quyết định của Nga công nhận nền độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a, Tổng thống Nga Ð. Mét-vê-đép đã khẳng định rằng quyết định đó của Nga không vi phạm luật pháp quốc tế, rằng hành động này của Nga xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích an ninh, tính mạng của những người dân ở hai khu vực nêu trên.
28/08/2008
Gần 150.000 chỉ tiêu xét tuyển NV2
Chiều 26-8, Bộ GD-ĐT đã công bố thống kê chính thức toàn bộ chỉ tiêu (CT) và điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển NV2 của các trường ĐH, CĐ trong cả nước.
27/08/2008