Khai mạc kỳ họp lần thứ 63 Ðại hội đồng LHQ

08:28, 25/09/2008
Theo tin nước ngoài, ngày 23-9, tại trụ sở LHQ ở Niu Oóc (Mỹ), Ðại hội đồng LHQ gồm 192 quốc gia thành viên đã khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao kỳ họp thường niên lần thứ 63 kéo dài một tuần.

Tham dự hội nghị có hơn 100 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ cũng như đại diện của hơn 190 nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Gia Khiêm đã tới Niu Oóc tham dự kỳ họp này.


Phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun chào mừng lãnh đạo của hơn 190 quốc gia thành viên LHQ đến dự và nêu lên những thách thức mà thế giới đang phải đối phó. Trong đó, ông nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt một loạt cuộc khủng hoảng toàn cầu, gồm khủng hoảng tài chính, khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực-thực phẩm. Ngoài ra, vòng đàm phán thương mại thế giới vẫn bế tắc, một số cuộc chiến tranh và bạo

động mới xuất hiện, thêm vào đó là vấn đề biến đổi khí hậu,  cuộc chiến chống bệnh sốt rét, cũng như bệnh HIV/AIDS. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác để giải quyết những thách thức này.

Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ cam kết rằng, Chính phủ của ông sẽ hợp tác với QH giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và kêu gọi thế giới đoàn kết chống khủng bố cũng như chống các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Bu-sơ cũng điểm lại các chương trình phòng, chống HIV/AIDS và sốt rét trên khắp thế giới mà Mỹ đã tài trợ nhiều tỷ USD và kêu gọi các nước thực thi cam kết đóng góp cho LHQ và các quỹ quốc tế để tiếp tục chống lại các căn bệnh này.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đưa ra được các nguyên tắc và quy định mới có thể giải quyết được những vấn đề lớn mà hệ thống tài chính thế giới đang gặp phải. Ông cho rằng, lãnh đạo các nền kinh tế chủ chốt của thế giới cần tổ chức một cuộc họp cấp cao vào tháng 11 tới để rút ra các bài học và tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu (EU), Tổng thống Xác-cô-di cũng đề nghị thiết lập một "không gian kinh tế rộng rãi toàn châu lục" giữa EU và Nga.

* Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ngày 23-9, bên lề Phiên thảo luận chung cấp cao Kỳ họp thứ 63 Ðại hội đồng LHQ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có cuộc gặp gỡ song phương với đồng chí H.R.Ma-cha-đô, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu-ba. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Nhà nước và nhân dân hai nước, bày tỏ cảm thông về những thiệt hại do các cơn bão vừa qua gây ra cho nhân dân Cu-ba, thông báo về đóng góp của Chính phủ Việt Nam vào các hoạt động cứu trợ. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định, Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cu-ba trong các hoạt động sắp tới của Phong trào Không liên kết (NAM), đặc biệt là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Không liên kết lần thứ 15 sắp tới. Tại Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 14, lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô, đã được bầu làm Chủ tịch NAM. Ðồng chí H.R.Ma-cha-đô đã thông báo về tình hình Cu-ba. Hai bên cùng trao đổi ý kiến về các biện pháp tăng cường hợp tác trong quan hệ song phương cũng như tại các diễn đàn quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao An-giê-ri M.Mê-đen-si, trao đổi ý kiến về khả năng hợp tác kinh tế cụ thể và thảo luận một số vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã dự lễ ký bản ghi nhớ về thỏa thuận sơ bộ giữa các nhà lãnh đạo thị trường chứng khoán NASDAQ và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, đồng thời nhấn chuông theo thủ tục đóng cửa phiên giao dịch của Thị trường chứng khoán NASDAQ.

* Ngày 23-9, dưới sự chủ tọa của Tổng thống Buốc-ki-na Pha-xô B.Công-pao-rơ, Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành họp cấp cao về chủ đề "Hòa giải và giải quyết tranh chấp", với sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun; nhiều nguyên thủ quốc gia và đại diện thường trực các nước thành viên HÐBA.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Ðại sứ Lê Lương Minh, Ðại diện Việt Nam tại HÐBA, khẳng định lập trường của Việt Nam ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp và xung đột quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trong đó có hòa giải. Ðể đạt giải pháp bền vững, mọi hoạt động hòa giải phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cần bảo đảm nguyên tắc trung lập, không ép buộc và được sự đồng ý và tham gia của các bên liên quan. Kết thúc cuộc họp, HÐBA đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch khẳng định tầm quan trọng của hòa giải trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, cam kết tăng cường vai trò của LHQ hỗ trợ các hoạt động hòa giải.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quan chức Nam Phi đồng loạt từ chức
Văn phòng Tổng thống Nam Phi ngày 23/9 cho biết, Phó Tổng thống Nam Phi Mlambo Ngcuka và 11 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Trevor Manuel, đã đồng loạt đệ đơn từ chức sau khi Tổng thống Thabo Mbeki quyết định từ chức.
25/09/2008
19 người , trong đó có 11 khách du lịch châu Âu bị bắt cóc tại miền nam Ai Cập
AFP ngày 22-9 đưa tin, những kẻ bịt mặt đã bắt cóc 19 người, trong đó có 11 du khách châu Âu tại vùng sa mạc xa xôi, hẻo lánh ở miền nam Ai Cập. Những kẻ bắt cóc đã đưa 19 người này sang Xu-đăng.
24/09/2008
Nhật Bản: Cựu ngoại trưởng Taro Aso được chọn làm thủ tướng
Sau hai lần thất bại dù là ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Nhật, cuối cùng cựu ngoại trưởng Nhật Taro Aso đã chính thức trở thành tân chủ tịch của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.
23/09/2008
Thủ tướng Israel tuyên bố từ chức
Trong cuộc họp nội các hàng tuần hôm 21/9, Thủ tướng Israel Ehud Olmert đã tuyên bố sẽ từ chức nhưng sẽ tiếp tục cầm quyền trong vài tuần hoặc vài tháng tới, cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
22/09/2008
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.