Căng thẳng giữa Mỹ với Venezuela và Bolivia

15:19, 19/09/2008

Dư luận thế giới, nhất là các nước khu vực châu Mỹ đang quan tâm, theo dõi căng thẳng  mới phát sinh trong quan hệ Mỹ - Venezuela và Bolivia.


 
 Người dân Venezuela ủng hộ
Tổng thống H. Chavez.
Quan hệ Mỹ - Venezuela vốn đã có nhiều mâu thuẫn, sóng gió nay càng trở nên căng thẳng khi Tổng thống Venezuela U.Chavez ngày 11-9, quyết định trục xuất Ðại sứ Mỹ tại Thủ đô Caracas Patrick Duddy, đồng thời triệu hồi Ðại sứ của Venezuela tại Washington về nước, để bày tỏ tình đoàn kết đối với Chính phủ Bolivia trước những hành động chống phá của lực lượng đối lập được Mỹ hậu thuẫn.

Venezuela và Bolivia  đều cáo buộc Washington âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ hai quốc gia Nam Mỹ này nhằm lật đổ hai Tổng thống theo đường lối cánh tả tiến bộ. Trước đó, ngày 10-9, Tổng thống Bolivia E. Morales yêu cầu Ðại sứ Mỹ Philip Goldberg phải rời Thủ đô La Paz và tố cáo ông đứng đằng sau phe đối lập  tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực gây hỗn loạn, chia cắt đất nước Bolivia. Những ngày qua, tình hình Bolivia khá căng thẳng, phức tạp, đụng độ giữa phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Morales xảy ra tại một số địa phương, khiến nhiều người thiệt mạng...

Tổng thống Chavez cho rằng, Ðại sứ Mỹ Duddy đang muốn gây bất ổn tại Venezuela giống như ở Bolivia. Quyết định trục xuất Ðại sứ Mỹ tại Caracas được đưa ra sau khi lực lượng an ninh Venezuela phát hiện và bắt giữ một số sĩ quan quân đội âm mưu đảo chính, ám sát Tổng thống Venezuela.

Theo ông Chavez, kế hoạch đảo chính này đã nhận được sự ủng hộ của  lực lượng đối lập và sự hậu thuẫn của Mỹ. Phát biểu ý kiến trên truyền hình ngày 11-9, nhà lãnh đạo Venezuela tố cáo Mỹ và các thế lực thù địch từ lâu đã âm mưu ám sát ông nhằm phá hoại cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại quốc gia giàu dầu mỏ này và đây là chiến dịch của Washington chống lại các chính phủ tiến bộ, được bầu một cách dân chủ tại Mỹ la-tinh.

Tổng thống Chavez cảnh báo, Caracas sẽ can thiệp quân sự chống âm mưu lật đổ của Mỹ và bảo vệ các chính quyền nhân dân trong khu vực; đồng thời cắt nguồn cung cấp dầu mỏ sang Mỹ nếu có bất cứ hành vi xâm lược nào chống Venezuela. Một số nước Mỹ la-tinh bày tỏ thái độ ủng hộ Venezuela và Bolivia phản đối Mỹ.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tuyên bố sẽ không đi thăm Mỹ theo lời mời của Washington, và Tổng thống Honduras M.Zelaya hoãn lễ tiếp Ðại sứ mới của Mỹ tại nước Trung Mỹ này. Washington đáp trả lại hành động của Caracas và La Paz bằng việc trục xuất Ðại sứ Bolivia tại Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố phong tỏa tài sản của một số quan chức Venezuela và cáo buộc họ tài trợ cho lực lượng nổi dậy ở Colombia.

Quan hệ căng thẳng  giữa Mỹ và Bolivia mới bùng phát, còn quan hệ sóng gió Mỹ - Venezuela bắt đầu từ khi Tổng thống U.Chavez lên nắm quyền điều hành đất nước năm 1998 và thực hiện nhiều chính sách cải cách tiến bộ nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công và đưa Venezuela phát triển theo con đường "xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21".

Trong chính sách đối ngoại, Venezuela ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước Mỹ la-tinh, thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực theo tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển, nhất là trong lĩnh vực năng lượng;  phản đối ký kết Hiệp định Khu vực tự do thương mại châu Mỹ (FTAA) do Mỹ khởi xướng; cùng với Cuba thành lập tổ chức "Sự lựa chọn Boliva cho châu Mỹ" (ALBA) nhằm thay thế FTAA.

Các chính sách của Tổng thống Chavez đã  tác động tích cực tới các nước Mỹ la-tinh, nhất là khi lực lượng cánh tả liên tiếp giành thắng lợi và lên nắm quyền ở  nhiều nước, như Chile, Brazil, Argentina, Uruguay, Bolivia, Nicaragua, Ecuador, làm giảm vị thế, ảnh hưởng rõ rệt của Mỹ tới khu vực mà Washington luôn coi là "sân sau" của họ. Uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Chavez ngày càng tăng cao ở trong và ngoài nước khiến Washington cay cú và coi ông như một cái "gai trong mắt".

Mỹ cáo buộc ông Chavez là nhân tố gây bất ổn định khu vực. Tổng thống Chavez đã nhiều lần tố cáo Washington can thiệp vào công việc nội  bộ của Venezuela, đứng đằng sau âm mưu vụ đảo chính bất thành năm 2002, ủng hộ lực lượng đối lập nhằm lật đổ Chính phủ hợp hiến của ông.

Quan hệ Mỹ - Venezuela càng xấu đi và mang tính đối đầu sau một loạt các sự kiện: hai nước ngừng hợp tác chống ma túy (8-2005); Washington quyết định cấm bán vũ khí cho Caracas (5-2006), Mỹ vận động ngăn cản Venezuela tham gia HÐBA LHQ và đỉnh cao của mối bất hòa là việc Tổng thống U.Chavez kịch liệt phản đối chính quyền Mỹ tại phiên họp Ðại Hội đồng LHQ ngày 20-9-2006 mà ông nhiều lần gọi Tổng thống G.Bush là "quỷ dữ"...

Dù quan hệ đầy sóng gió, nhưng Venezuela vẫn là nước cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Mỹ với sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày và Tổng thống U.Chavez khẳng định không có sự thay đổi trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đồng thời tỏ ý hy vọng sẽ cử Ðại sứ trở lại Washington khi nào Mỹ có chính phủ mới biết tôn trọng nhân dân và chính phủ các nước Mỹ la-tinh.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mỹ - Pakistan: Đối đầu trong hoạt động quân sự
Tối 17/9, một số quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ đã vội vàng bay tới Pakistan, bí mật gặp gỡ với giới chức nước này nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng quan hệ quân sự hiện nay giữa hai nước.
19/09/2008
Gần 24 nghìn chỉ tiêu NV3 vào 82 trường ĐH, CĐ
Thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 82 trường ĐH, CĐ (trong đó có 38 trường ĐH và 44 trường CĐ) công bố xét tuyển NV3 với hơn 23.800 chỉ tiêu.
19/09/2008
Niềm hy vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông
Cuộc đua tranh chiếc ghế Chủ tịch đảng Ca-đi-ma cầm quyền ở I-xra-en giữa nữ Ngoại trưởng I-xra-en Díp-pi Líp-ni và Bộ trưởng Giao thông Sa-un Mô-phát đã kết thúc với chiến thắng thuộc về bà Líp-ni, người giành được 43,1% số phiếu ủng hộ của đảng, hơn ông Mô-phát chỉ 1,1%.
19/09/2008
Giám đốc Sở GD-ĐT lựa chọn hình thức đánh giá
Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của qui chế đánh giá, xếp loại HS THPT, THCS đã ban hành năm 2006.
18/09/2008