Tổng thống Nga khẳng định ủng hộ mọi quyết định của Nam Ossetia và Afkhazia
Reuters dẫn tin của hãng thông tấn Nga Interfax cho biết, ngày 14-8, Tổng thống Nga Medvedev đã gặp các nhà lãnh đạo hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Afkhazia của Grudia tại Mát-xcơ-va nhằm ký thỏa thuận về kế hoạch sáu điểm do Pháp bảo trợ.
Hãng Itar Tass, ngày 14-8, dẫn thông cáo báo chí của Văn phòng Phủ Tổng thống Nga cho biết, trong cuộc điện đàm tối 13-8 với Tổng thống Pháp Sarkozy, Tổng thống Nga Medvedev đã kêu gọi Pháp thúc giục Grudia ký cam kết có tính bắt buộc sẽ không tiến công các khu vực ly khai của nước này. Theo Tổng thống Medvedev, thỏa thuận này cần dựa trên các nguyên tắc đã được chấp thuận giữa ba bên là Nam Ossetia, Grudia và Nga, và được Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bảo đảm. Cùng ngày, Itar Tass dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng, bất cứ cuộc thảo luận nào về sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia là không còn thích hợp nữa, "vì không thể thuyết phục được Nam Ossetia và Afkhazia đồng ý với việc họ có thể bị buộc phải trở lại Nhà nước Grudia".
Theo Interfax, ngày 14-8, Nga cho biết sẽ rút quân khỏi TP Gori của Grudia cách Thủ đô Tbilisi 60 km về phía đông sau hai ngày nữa. Trước đó, Nga bác bỏ những thông tin nói rằng lực lượng Nga đã cướp phá thành phố này và đang tiến về phía Tbilisi.
Ngày 13-8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov tuyên bố, Mỹ phải chọn ủng hộ giới lãnh đạo Grudia hay duy trì mối quan hệ đối tác với Nga trong các vấn đề quốc tế. Cùng ngày, Ðại diện thường trực Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tuyên bố, quan hệ giữa Mát-xcơ-va và NATO sẽ "không thể không thay đổi" sau khi khối này chỉ trích Nga "đi quá xa" trong cuộc xung đột vũ trang ở Nam Ossetia.
Ngày 13-8, Tổng thống Mỹ G.Bush đã yêu cầu Mát-xcơ-va chấm dứt mọi hành động quân sự, rút quân khỏi Grudia và cảnh báo sự hỗ trợ của Mỹ nhằm đưa Nga vào "những cấu trúc ngoại giao, chính trị, kinh tế và an ninh của thế kỷ 21" có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ông Bush cho biết đã quyết định cử Bộ trưởng Ngoại giao Rice tới Pháp và Grudia để thảo luận những nỗ lực giải quyết xung đột.
Tại cuộc họp khẩn cấp diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 13-8, các Bộ trưởng Ngoại giao của 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã bất đồng về cách thức xử lý của EU đối với cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Grudia. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun ngày 13-8 tuyên bố, LHQ sẵn sàng giúp đỡ và đưa ra các giải pháp để bảo đảm hòa bình tại hai khu vực ly khai của Grudia là Afkhazia và Nam Ossetia, tuy nhiên, những giải pháp hòa bình của LHQ cần phải được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua. Theo Interfax, ngày 14-8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng thảo luận về việc tăng số quan sát viên nước ngoài ở Nam Ossetia.
Mỹ đã cử các máy bay quân sự và lực lượng hải quân chuyển hàng cứu trợ và thuốc chữa bệnh tới Grudia. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Chương trình lương thực LHQ (WFP) và Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cũng đã chở hàng cứu trợ tới Tbilisi. Một số nước phương Tây cũng cam kết cứu trợ Grudia.
Ý kiến bạn đọc