Nga – Gruzia đạt thỏa thuận hòa bình
09:51, 14/08/2008
Thông báo tại cuộc họp chung với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili ngày 13/8 của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy về thỏa thuận ngừng bắn giữa Moskva và Tbilisi nhằm chấm dứt xung đột ở Nam Ossetia đã mang lại chút ít bầu không khí an lành trên thế giới.
Nam Osselia tang thương sau 5 ngày chiến trận.
Tuy nhiên, những động thái tiêu cực từ phía Mỹ, NATO, EU và cả Gruzia đang khiến cho kế hoạch hòa bình do Pháp tài trợ đứng trên bờ vực phá sản.
6 nguyên tắc hòa bình
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Tbilisi của Gruzia, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói: "Có một văn bản mà cả Moskva và Tbilisi đều chấp nhận. Chúng tôi đã thống nhất về tất cả những người đóng vai trò chủ đạo".
Trước đó, sau tuyên bố ngừng chiến dịch quân sự lớn nhằm vào Gruzia của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili cũng khẳng định rằng ông chấp thuận kế hoạch ngừng bắn theo thương lượng của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Trong ngày 13/8, Pháp đã trình lên cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bản kế hoạch hòa bình được sửa đổi bao gồm 6 nguyên tắc: tất cả các bên từ bỏ vũ lực; ngừng hoàn toàn hành động quân sự; cho phép tự do tiếp cận viện trợ nhân đạo; lực lượng vũ trang Gruzia rút về các căn cứ; binh lính Nga trở về các vị trí trước khi xảy ra xung đột; tiến hành thảo luận quốc tế về quy chế tương lai của hai vùng lãnh thổ đang đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia cũng như các biện pháp bảo đảm an ninh ở 2 khu vực này.
Kế hoạch hòa bình sửa đổi này cũng sẽ được coi là cơ sở cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Nam Ossetia. Nếu được sự đồng ý của LHQ, Gruzia và Nga, EU sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Gruzia. Đáng chú ý là ngay sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cả Moskva và Tbilisi đều bày tỏ thiện chí của mình bằng những hành động cụ thể.
Người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Gruzia cho biết, quân đội nước này đang hoàn thành việc rút khỏi vùng tự trị Abkhazia. Nga cũng có động thái tương tự. Ngoài ra, chính quyền Moskva còn viện trợ khẩn cấp cho Nam Ossetia 200 triệu USD để khắc phục những thiệt hại mà cuộc chiến vừa qua gây ra...
Mỹ, NATO "chọc gậy bánh xe"
Có thể nói rằng, đối với người dân Nam Ossetia, ngày 13/8 là một ngày yên bình, không tiếng súng. Nhưng cảm giác được trở lại cuộc sống thường nhật đang le lói trong họ thì lại bị đe dọa bởi những hành động "chọc gậy bánh xe" của Mỹ và NATO.
Tại cuộc họp ở Bỉ, các nước thành viên NATO đã chỉ trích Nga sử dụng bạo lực "không tương xứng" với Gruzia, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với nước này bằng tuyên bố, một ngày nào đó Gruzia sẽ gia nhập NATO.
Chưa hết, lãnh đạo 5 nước đồng minh thân cận nhất của Gruzia là Ba Lan, Ukraine, Estonia, Latvia và Litva cũng đã phát biểu tại một cuộc mít tinh lớn ở Tbilisi, bày tỏ "tình đoàn kết" với Gruzia.
Chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush và các đồng minh thì đang kêu gọi loại Moskva khỏi nhóm G8, hủy bỏ kế hoạch tập trận chung sắp tới giữa NATO - Nga, rút lời mời Moskva tham dự Tổ chức Hợp tác Kinh tế và phát triển có trụ sở tại Paris (Pháp) và xem xét những biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Giới phân tích thế giới nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, những biện pháp mà Washington cùng NATO nêu ra chỉ mang tính chất tượng trưng nhằm hăm dọa Moskva chứ không có tính thực tế. Song sự can thiệp quá sâu của Mỹ, NATO có thể sẽ thổi bùng ngọn lửa chiến tranh lần nữa.
Với các nhà ngoại giao quốc tế, thỏa thuận mà Pháp đạt được với cả Nga và Gruzia là liều thuốc tốt nhất cho tình hình chiến sự ở Nam Ossetia. Tuy nhiên, người ta cũng đặt nhiều câu hỏi về thái độ khó hiểu của Tổng thống Mikhail Saakashvili.
Mặc dù đã ký vào văn bản thỏa thuận hòa bình, nhưng tại cuộc họp báo chung cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ở thủ đô Tbilisi, ông Mikhail Saakashvili vẫn dùng nhiều từ ngữ kích động như "Gruzia sẽ không từ bỏ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình trong bất kỳ kế hoạch hòa bình nào" và lên án Nga là "kẻ chiếm đóng Gruzia bằng chiến dịch thúc ép hòa bình". Thậm chí, Tổng thống Gruzia còn tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS)...
Rõ ràng, đằng sau thỏa thuận hòa bình đạt được trên giấy tờ giữa Nga, Gruzia vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn. Hòa bình sẽ chỉ trở lại với người dân Nam Ossetia nếu như những nhà lãnh đạo như Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili biết lắng nghe và chế ngự tham vọng quyền lực của chính mình.
Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc