Ðiểm nóng xung đột Abkhazia và Nam Ossetia

07:29, 22/08/2008

Abkhazia và Nam Ossetia là hai nước cộng hòa tự trị đang đòi ly khai khỏi Gruzia sau cuộc xung đột năm 1991 - 1992 nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.


 
 Tòa nhà Chính phủ của nước cộng hòa tự xưng Abkhazia ở Sukhumi, bị tàn phá trong cuộc giao tranh ngày 27-9-1993, hiện vẫn đứng đó trong tình trạng hư hại.
Với diện tích 8.432 km2, thủ phủ là Sukhumi, dân số hơn 150 nghìn người, nước CH tự trị Abkhazia nằm bên bờ biển Ðen và phía bắc giáp LB Nga. Phong trào ly khai của dân tộc thiểu số ở Abkhazia khiến nước cộng hòa này tuyên bố độc lập, tách khỏi Gruzia năm 1992.

Cuộc xung đột vũ trang giữa Gruzia và Abkhazia năm 1992 - 1993 làm gần 7.000 người chết, khoảng 200 - 250 nghìn người, phần lớn là người gốc Gruzia phải đi tị nạn. Mặc dù hai bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, tình hình khu vực này vẫn không ổn định.

Với sự giám sát của LHQ và hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của Cộng đồng các quốc gia độc lập (trong đó Nga đóng góp gần hai nghìn binh sĩ), việc tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết. 83% lãnh thổ do chính quyền ly khai Abkhazia được Nga hậu thuẫn kiểm soát. Tranh chấp này là một nguyên nhân gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Gruzia và Nga.

Với diện tích 3.400 km2, thủ phủ là Tskhinvali, dân số khoảng 70 nghìn người, Nam Ossetia cách thủ đô Tbilisi của Gruzia 100 km về phía bắc. Nam Ossetia tuyên bố độc lập và tách khỏi Gruzia năm 1992 sau các cuộc xung đột vũ trang làm gần 1.000 người chết.

Nam Ossetia mong muốn sáp nhập vào CH Bắc Ossetia thuộc LB Nga, dù Chính quyền trung ương Gruzia nhiều lần tuyên bố sẵn sàng trao cho người dân Nam Ossetia quyền tự trị cao nhất của sắc tộc thiểu số.

Trên thực tế, cũng như Abkhazia, Nam Ossetia có nhiều quan hệ với Nga hơn là Gruzia do 80% người dân ở đây mang hộ chiếu Nga, đồng tiền được sử dụng ở khu vực này là đồng rúp Nga.

Ðầu tháng 3-2008, sau khi tỉnh Kosovo thuộc Serbia tự tuyên bố độc lập, cả Abkhazia và Nam Ossetia lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nền độc lập của mình. Nam Ossetia đã lập ra QH mới.

Việc Nam Ossetia mong muốn sáp nhập với Bắc Ossetia có lý do lịch sử do hơn 100 nghìn người Nam Ossetia đã chạy sang lánh nạn ở Bắc Ossetia sau các cuộc xung đột vũ trang năm 1992. Mặc dù có sự phân chia về địa lý và hành chính nhưng ở cả hai khu vực Nam và Bắc Ossetia chỉ có một dân tộc với cùng một ngôn ngữ và một nền văn hóa. Vì vậy, người dân Nam Ossetia quyết tâm thống nhất lãnh thổ với những người đồng bào Bắc Ossetia trong thành phần của nước Nga. Năm 2004, ban lãnh đạo Nam Ossetia gửi đơn đề nghị Hạ viện (Duma quốc gia) Nga chấp nhận Nam Ossetia sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn đang bỏ ngỏ, còn mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương Gruzia với hai chính quyền địa phương ly khai vẫn âm ỉ.

Quan hệ giữa Nga và Gruzia vốn cơm không lành canh không ngọt từ sau khi LB Xô-viết tan rã, mà nguyên nhân sâu xa là những bất đồng về quy chế đối với hai khu vực tự trị Abkhazia và Nam Ossetia. Hai nước còn mâu thuẫn về việc Gruzia cáo buộc Nga phá hoại đường ống dẫn dầu và đường dây tải điện giữa hai nước để buộc Tbilisi phải lệ thuộc năng lượng vào Moscow. Về phía mình, Nga tố cáo Gruzia cản trở nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bất đồng về việc Gruzia gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), vấn đề di chuyển các căn cứ quân sự từ thời Liên Xô (trước đây) ra khỏi lãnh thổ Gruzia.

Ðầu năm nay Gruzia đã rơi vào thế đối đầu căng thẳng với Abkhazia, Nam Ossetia và với Nga, sau khi Nga tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với hai khu vực có đông người Nga sinh sống này. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào ngày 7-8 vừa qua sau khi Gruzia bất chấp lệnh ngừng bắn được ký trước đó, đã bất ngờ tiến công Nam Ossetia nhằm kiểm soát khu vực đang đòi ly khai này. Giao tranh dữ dội giữa hai bên làm gần 2.000 dân thường chết và hơn 34.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cơ sở hạ tầng tại thủ phủ Tskhinvali bị phá hủy nghiêm trọng.

Ngay lập tức, Nga đưa quân vào Nam Ossetia để bảo vệ dân thường và công dân Nga đang sinh sống tại đây. Abkhazia quyết định gửi 1.000 quân tình nguyện tới Nam Ossetia dựa theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mà hai nước cộng hòa này đã ký năm 2005 về tương trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tiến công. Chính phủ nước CH tự trị Bắc Ossetia (thuộc LB Nga) đã họp khẩn cấp và thông qua quyết định giúp đỡ về mọi mặt cho Nam Ossetia.

Chiến sự leo thang buộc Tổng thống Gruzia M.Saakashvili tuyên bố tình trạng chiến tranh và áp dụng thiết quân luật trên cả nước trong 15 ngày, đồng thời kêu gọi ngừng bắn và sẵn sàng ký thỏa thuận không sử dụng vũ lực với Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga D.Medvedev tuyên bố, Moscow không đàm phán với Gruzia nếu quân đội Gruzia không rút khỏi Nam Ossetia. Ðến ngày 11-8, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia và tiến quân vào TP Gori, cách thủ đô Tbilisi của Gruzia 76 km về phía tây. Ngày 12-8, Tổng thống Nga D.Medvedev quyết định ngừng các hoạt động quân sự tại Gruzia.

Trước tình trạng hơn 70% cơ sở hạ tầng của thủ phủ Tskhinvali bị phá hủy, Chính phủ Nga đã viện trợ khẩn cấp hơn 200 triệu USD trong tổng số 400 triệu USD viện trợ để phục vụ cho các hoạt động tái thiết và khắc phục hậu quả xung đột vũ trang tại Nam Ossetia.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội đồng bảo an nhóm họp về tình hình Gruzia
Phương Tây tiếp tục gây sức ép buộc Hội đồng bảo an LHQ thông qua một nghị quyết kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức khỏi Gruzia. Tuy nhiên, với tư cách là nước có quyền phủ quyết, Nga đã tuyên bố không ủng hộ nghị quyết trên.
21/08/2008
Ai sẽ trở thành Tổng thống Pakistan?
Ngày hôm nay (19/8), lãnh đạo chính phủ liên minh cầm quyền tại Pakistan sẽ tiếp tục nhóm họp để thảo luận bước đi tiếp theo sau khi Tổng thống Pakistan Musharraf tuyên bố từ chức. Vào lúc này, điều mà dư luận quan tâm là ai sẽ trở thành Tổng thống kế tiếp của Pakistan.
20/08/2008
Tổng thống Pakistan từ chức
Hôm nay (18/8), Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf bất ngờ tuyên bố từ chức để tránh một cuộc luận tội tại Quốc hội, một sự kiện mà ông cho là không đem lại sự ổn định cho đất nước.
19/08/2008
Huỷ bỏ luận tội Tổng thống Pervez Musharraf
Ngày 17/8, Đảng Nhân dân Pakistan PPP cầm quyền tuyên bố đã quyết định sẽ hủy bỏ việc luận tội Tổng thống Pervez Musharraf. Dư luận cho rằng quyết định này được đưa ra sau khi Đảng này và Tổng thống Musharraf đạt được thỏa thuận cho phép ông từ chức mà không lo ngại bị truy tố, và tránh được tiến trình luận tội gây chia rẽ trong nội bộ chính phủ.
18/08/2008
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.